Theo Bộ Công Thương, hiện nay, các sản phẩm giầy da của Việt Nam xuất khẩu tại các thị trường chính là Liên minh châu Âu, Bắc Mỹ, các nước châu Á, Nam Mỹ…, số lượng này chiếm khoảng 10% thị phần thế giới. Từ đầu năm đến nay, ngành da giầy Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 10,2 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành đặt mục tiêu phấn đấu cả năm nay xuất khẩu khoảng 12 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2013.

dagiayvov_wvwe.jpgSản xuất giày tại Công ty ChangShin VN. (Ảnh:baodongnai)

Với tốc độ phát triển như hiện nay thì mục tiêu này có thể sẽ đạt được. Tuy nhiên, hiện nay, ngành da giầy đang phải đối mặt với nhiều khó khăn đó là tỷ lệ nội địa hóa vẫn ở mức thấp, từ 40 đến 50%,  chủ yếu là nội địa hóa đế giầy và chỉ khâu, trong khi da, thiết bị và máy móc vẫn phải nhập khẩu.

Cùng với đó là những thách thức về nguồn nhân lực, công tác phát triển sản phẩm, quản trị doanh nghiệp… Bà Phan Thị Thanh Xuân-Tổng thư ký Hiệp hội Da giầy-túi xách Việt Nam cho rằng, để ngành da giầy Việt Nam phát triển mạnh và đáp ứng được yêu cầu hội nhập thì cần phải khắc phục được vấn đề về nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm tối đa các chi phí khác phát sinh.

Vì theo bà Xuân, nhập khẩu nguyên liệu là một bài toán rất nan giải, định hướng của chúng ta là sẽ chuyển dần nguyên phụ liệu vào trong nước để gia tăng giá trị nội địa. Tuy nhiên, sẽ phải có lộ trình và bước đi thích hợp, phù hợp với năng lực khả năng tiếp nhận và năng lực của các doanh nghiệp nữa.

Trong thời gian tới, xây dựng được một tiêu chuẩn quy chuẩn cho sản xuất nguyên phụ liệu là nền tảng ban đầu cho các doanh nghiệp có cơ sở định hướng việc xây dựng đầu tư các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu và nó cũng là một tiêu chuẩn để đảm bảo được nguồn cung cho các doanh nghiệp sản xuất giầy.

Mục tiêu của ngành da giầy đến 2020 sẽ sản xuất khoảng gần 1,7 tỷ đôi giầy dép, hơn 300 triệu balô, túi xách, 63 triệu tấn da cứng…, trong đó sẽ thu hút khoảng hơn 1 triệu lao động. Doanh thu xuất khẩu của ngành sẽ đạt khoảng 24,5 tỷ USD./.