Theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2014, sản phẩm da giày xuất khẩu ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, số lượng đơn hàng từ xuất khẩu sẽ tăng từ nay đến cuối năm và kim ngạch xuất khẩu da giày cả năm sẽ vượt mốc 11 tỷ USD.
Hiện tình hình xuất khẩu da giày sang các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Bỉ, Đức... đang rất khả quan. Kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường khác như Chile, Hy Lạp, Ba Lan... cũng tăng mạnh.
Đóng góp cho sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu của ngành trong những tháng đầu năm là do nhưng thuận lợi từ chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mà Liên minh châu Âu (EU) dành cho Việt Nam từ tháng 1/2014. Ngoài ra, với lợi thế ổn định về chính trị, lao động, chất lượng hàng hóa, Việt Nam đang thu hút được nhiều đơn hàng từ các thị trường khác chuyển qua.
Mặc dù ngành da giày có thặng dư thương mại khá, nhưng tỷ lệ nội địa hóa của những nhóm vật tư chiến lược vẫn còn thấp. Tỷ nội địa hóa của da thuộc chỉ đạt 30%, da tổng hợp là 40%, các loại phụ liệu trang trí chỉ ở mức xấp xỉ 45%…đặc biệt là phần lớn nguyên liệu nhập khẩu này vẫn xuất phát từ Trung Quốc, đang tạo nên một nguy cơ tiềm ẩn cho ngành.
Do đó, Hiệp Hội Da giày Túi xách Việt Nam đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa của các vật tư chiến lược như da thuộc, da tổng hợp, đế giày vượt tỷ lệ 50% vào năm 2020 và 70% từ 2025, thông qua việc đẩy mạnh các chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; xây dựng khu công nghiệp thuộc da và các cụm công nghiệp nhỏ tại các khu vực trọng điểm sản xuất da tổng hợp, đế giày và phụ liệu trang trí…nhằm chủ động về nguyên phụ liệu, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu./.