Ngân hàng HSBC vừa đưa ra dự báo rằng, trong những năm tới, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi nhu cầu từ các nước phương Tây đã được cải thiện.
Dự báo nhu cầu phương Tây gia tăng, Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều từ xuất khẩu hàng hóa (Ảnh minh họa/KT) |
HSBC giải thích rằng, vì nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu với việc xuất hàng chiếm tỷ trọng 81% GDP cả nước trong năm 2012. Mặc dù nhu cầu toàn cầu có sự dao động trong năm 2013 và giá cả hàng hoá đang giảm nhưng tăng trưởng xuất khẩu vẫn đạt mức đáng kể 15,4%. Nguyên nhân là do tình hình xuất hàng dệt may cùng với đầu tư nước ngoài mới trong lĩnh vực điện tử đã phục hồi. Với nguồn vốn giải ngân FDI tăng 9,9% và nguồn vốn đăng ký tăng tốc đáng kể.
HSBC dự báo, những điểm sáng chính yếu trong năm 2014 sẽ vẫn là các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu. Với các điều kiện toàn cầu đang được cải thiện và những hiệp định thương mại đang trong quá trình đàm phán, các công ty chuyên xuất khẩu sẽ có một năm tăng trưởng mạnh nữa. Cán cân thương mại đã dương trong hai năm vừa qua do xuất khẩu tăng trưởng mạnh và nhập khẩu đang chậm lại.
Với việc tăng cường đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều từ nhu cầu các nước phương Tây được cải thiện. HSBC kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng 20% trong năm 2014 từ mức tăng 15,4% trong năm 2013. Điều này sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng GDP đạt mức 5,6% trong năm 2014 từ mức 5,4% trong năm 2013.
Theo HSBC, kết quả xuất khẩu năm 2013 đã giúp Việt Nam cải thiện sự ổn định kinh tế vĩ mô nhưng đồng thời cũng thể hiện những mặt yếu kém của nhu cầu nội địa. Nhu cầu tiêu dùng và đầu tư thấp đã kéo tăng trưởng nhập khẩu giảm. Trong năm 2014, nhu cầu nội địa có thể sẽ vẫn trì trệ do tình hình nợ xấu vẫn đang treo lơ lửng. Chính phủ có thể nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết từ mức 49% lên 60% để thu hút các dòng vốn ngoại.
Để cải thiện tình hình, HSBC khuyến nghị Nhà nước cần phải thực hiện những cải cách thêm nữa để xử lý những khoản nợ xấu và giảm áp lực trong hệ thống tài chính. Nếu Việt Nam không thực thi những cải cách để giải quyết những vướng mắt, đất nước sẽ còn tiếp tục tăng trưởng dưới mức tiềm năng khi các doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng bởi hệ thống tài chính bị đóng băng trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh.
“Cải tổ ngành ngân hàng, đầu tư cho hệ thống hạ tầng cơ sở, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và phát triển nguồn nhân lực là một vài cải cách cần được thực hiện để kích thích nền kinh tế phát triển lên một tầm cao mới”- HSBC lưu ý.