Nhìn lại năm 2013, xuất khẩu tiếp tục gặt hái nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối cung - cầu hàng hóa. Song nhìn dài hạn, vẫn cần lắm một sự bứt phá rõ nét về chất của những thành quả mà xuất khẩu mang lại.

Tăng trưởng vượt xa mục tiêu

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 132,17 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012, tương đương với 17,64 tỷ USD, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (tăng 10%). Trong đó, các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 33% (tăng 3,5%), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chiếm tỷ trọng 61,4% (tăng 26,8%).

xk_giay.jpg
Hiệu quả từ xuất khẩu mang lại cho tăng trưởng kinh tế không cao do chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp.

Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Với 22 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, lần đầu tiên xuất khẩu mặt hàng rau quả, đây là một trong những tín hiệu tốt cho phát triển xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Xuất khẩu năm nay cũng tăng trên tất cả các thị trường, trong đó châu Mỹ tăng cao nhất.

Bên cạnh đó, cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất 71% (tăng 6% so với cùng kỳ), theo sau là nhóm hàng nông sản, thủy sản 15% (giảm 3%) và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản 7% (giảm 3%).

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đóng góp vai trò quan trọng, kéo xuất khẩu cả nước tăng trưởng. Mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đã vượt qua dệt may để trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất (21,5 tỷ USD, chiếm 16%), đồng thời cũng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất (tăng 69,2%).

Hơn nữa, một điểm sáng quan trọng là xuất nhập của khối doanh nghiệp trong nước bắt đầu khôi phục và có xu hướng tăng dần. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực này ước tăng trưởng ở mức 3,5%, trong khi năm 2012 là 1,2%.

Những kết quả này đóng góp quan trọng vào thành quả năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam xuất siêu, kể từ khi gia nhập WTO (2007), mà mức xuất siêu năm nay tăng lên 863 triệu USD, so với năm 2012 xuất siêu 749 triệu USD. Hàng xuất khẩu của ta đã có mặt trên thị trường của gần 200 nước và vùng lãnh thổ.

Với những thành quả này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đánh giá: Đó là những tín hiệu đáng mừng, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn. Nó cũng thể hiện sự rất nỗ lực của ngành Công Thương.

Mặc dù trong năm, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn như giá xuất khẩu một số mặt hàng giảm, thị trường xuất khẩu tại một số địa bàn bị thu hẹp..., song “nhờ thích ứng tốt, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã đạt kim ngạch xuất khẩu cao, vượt mục tiêu đề ra, như: dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện.... Điều này phản ánh năng lực sản xuất hàng xuất khẩu ngày càng được mở rộng, cơ cấu hàng xuất khẩu từng bước chuyển dịch theo hướng tăng các sản phẩm qua chế biến”- Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.

Cần sự bứt phá về chất...

Nhìn vào những thành quả nổi bật nêu trên, xét về mặt con số, hẳn là đáng mừng, đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Mỗi USD giá trị xuất khẩu (đặc biệt là xuất siêu) cũng góp phần đáng kể vào việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, đóng góp vào con số kết quả của ngành năm 2013, vẫn thấy loanh quanh ở những gương mặt quen thuộc và cách thức để mang giá trị cho nền kinh tế vẫn không mới.

Chẳng hạn, ngành dệt may vẫn tiếp tục lộ rõ còn gặp nhiều khó khăn khi vẫn lệ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Cho đến nay, tỷ lệ nội địa hóa mới chỉ chiếm 40-45% (chủ yếu là đế giày và chỉ khâu giày) trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu. Về lâu dài, ngành da giày cần đẩy mạnh việc liên kết giữa các doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu cho sản xuất để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Còn nhóm hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu năm nay nhìn chung không được lợi cả về giá và về lượng. Trong số 7 mặt hàng tính được về giá và lượng thì có 4 mặt hàng có lượng xuất khẩu giảm (sắn và sản phẩm từ sắn, cà phê, gạo, chè); có 5 mặt hàng giá xuất khẩu giảm (hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gạo và cao su).

Về giá xuất khẩu năm 2013, hầu hết đều giảm, chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá năm 2013 giảm 2,41%, cao hơn so với mức giảm 0,54% của năm 2012.

Trong nhóm hàng đóng góp cao vào kim ngạch xuất khẩu, vẫn chỉ ở 4 cái tên quen thuộc như: hàng điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giầy dép. Tính chung cả năm 2013, xuất siêu 863 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 14 tỷ USD.

Như vậy xuất siêu năm nay hoàn toàn thuộc về khu vực đầu tư nước ngoài. Mặc dù xuất khẩu khu vực này phát triển mạnh là điều kiện thuận lợi để giải quyết việc làm cho người lao động nhưng hiệu quả mang lại cho tăng trưởng kinh tế không cao do chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp.

Đáng chú ý nữa, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu của nước ta vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài, do ngành công nghiệp phụ trợ còn quá yếu. Tỷ trọng giá trị nhập khẩu các mặt hàng phục vụ hoạt động gia công lắp ráp chiếm tỷ trọng khá cao trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện (trừ điện thoại di động) chiếm 33,3% kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện; kim ngạch nhập khẩu vải chiếm 48,3% giá trị xuất khẩu hàng dệt may...).

Do đó, dù kết quả năm nay ngành công nghiệp và thương mại có tăng trưởng, song nhìn chung về chất vẫn chưa có sự bứt phá thực sự để hướng đến sự tăng trưởng bền vững./.