Vân Đồn đón chúng tôi bằng cơn mưa bụi dịu nhẹ trong cái rét ngọt cuối năm. Cảng Cái Bầu ngập tràn không khí thi công hối hả, diện mạo lấm lem than bụi ngày nào, nay trở nên lung linh những sắc màu và hình hài một đặc khu kinh tế đang dần lộ diện.

Diện mạo mới đang hình thành 

Những ngày cuối năm, chúng tôi về Vân Đồn, Quảng Ninh, nhìn qua kính xe, Vân Đồn lấm lem than bụi ngày nào, nay bỗng trở nên lung linh, đầy sắc màu. Do không phải mùa du lịch nên ở đây rất yên tĩnh, vắng vẻ.

vov_van_don_otvp.jpg
Khu vực xây dựng sân bay Vân Đồn đang được gấp rút thi công

Dù vậy, Vân Đồn vẫn rất quyến rũ với vẻ hoang sơ thanh bình của vùng đất ít bị tác động, can thiệp bởi bàn tay con người. Vân Đồn nằm trong quần thể vịnh Bái Tử Long và Di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, có cảnh quan, hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú như Vườn quốc gia Bái Tử Long, bãi tắm Minh Châu, Sơn Hào, Quan Lạn, Ngọc Vừng...; đồng thời là một vùng đất giàu về văn hóa lịch sử và văn hóa tâm linh.

Với thế mạnh về giao thông gồm cả đường bộ, đường biển lẫn hàng không là điều kiện để Vân Đồn có cơ hội phát triển công nghiệp “không khói” và kinh tế biển.

Vân Đồn những ngày giáp Tết hiện ra như một đại công trường với nhiều dự án trọng điểm, trong số đó phải kể đến dự án tuyến đường trục chính nối các khu chức năng chính Khu kinh tế Vân Đồn.

Điểm nhấn quan trọng trong Khu kinh tế Vân Đồn là dự án Cảng hàng không Quảng Ninh hiện đã hoàn thành khoảng 80 - 90%. Song song với việc thực hiện dự án sân bay Vân Đồn, Tập đoàn Sun Group đang thực hiện Dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, trong đó có hạng mục casino tại Vân Đồn. Rồi những khu nghỉ dưỡng cao cấp, các khu du lịch,… đang tạo nên một dáng dấp, cái hồn cho đảo ngọc Vân Đồn là một đặc khu kinh tế.

Trong ký ức của chị Phạm Thị Cẩm Vân, một người con sinh ra và lớn lên ở cảng Cái Rồng, thị trấn Vân Đồn thì hình ảnh đìu hiu, ẩm ướt của một làng chài nhỏ thuở nào nay đã được thay thế bằng những con đường trải nhựa rộng rãi, đèn sáng rực rỡ, những ngôi nhà cao tầng khang trang, cửa hàng tấp nập khách ra vào mua bán.

Chị Vân chia sẻ, trước đây Vân Đồn rất nghèo, kinh tế còn khá bấp bênh, nhiều gia đình còn chưa đủ cái ăn cái mặc. Nhưng mấy năm gần đây, người khắp nơi đổ về buôn bán, thị trấn trở nên sầm uất, mở ra nhiều ngành nghề mới như du lịch, nuôi trồng thủy sản, cuộc sống của người dân khấm khá hơn trước rất nhiều.

Hơn 60 năm gắn bó với Vân Đồn, ông Nguyễn Văn Sâm cho biết, trong đời mình đã 2 lần ông được chứng kiến sự đổi thay lớn tại quê hương Vân Đồn. Lần thứ nhất là ngày người dân Vân Đồn vỡ òa niềm vui và nhìn ngắm không chán khi điện lưới quốc gia được kéo về. Thời khắc đóng điện, mọi người cùng hò reo trước những ánh sáng đổi đời cho hòn đảo không xa nhưng biệt lập với đất liền. Lần thứ 2 là ngày ông nghe tin hòn đảo nơi ông sinh sống sẽ trở thành đặc khu kinh tế.

“Vân Đồn sẽ phát triển chẳng kém gì đảo Ngọc phương Nam. Đặc khu Vân Đồn tương lai rất phù hợp phát triển các hoạt động vui chơi giải trí và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nhằm phát huy hết lợi thế của sân bay quốc tế, đường cao tốc. Với lợi thế phát triển kinh tế và du lịch, tôi tin vào một ngày không xa, Vân Đồn sẽ “cất cánh””, ông Sâm tự hào nói.

Không giấu được sự phấn khởi, ông Tô Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn chia sẻ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ước tính đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn sẽ làm lợi cho Nhà nước khoảng 1,9 tỉ USD từ thuế và phí; 2,1 tỉ USD từ các nguồn thu từ đất.  Đặc khu này cũng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn của Quảng Ninh lên 5,2% vào năm 2020 và 7,7% vào năm 2030 khi các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỉ USD trong giai đoạn 2021-2030.

Đó là chưa kể đến những cơ hội việc làm mới cho người lao động, gia tăng thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể như tới năm 2030, Vân Đồn tạo thêm việc làm mới cho khoảng 132.000 người với mức lương bình quân là 9.500 USD/năm.

Vân Đồn sẽ… “cất cánh”?

 Theo Ban Quản lý Khu kinh tế, Quảng Ninh, đến nay, Vân Đồn đã thu hút được 52 dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước với 55.300 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD) đầu tư cho Vân Đồn. Trên cơ sở phân tích tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội của Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh xác định ngành nghề trọng tâm ưu tiên phát triển ba mũi nhọn ở Đặc khu kinh tế Vân Đồn là du lịch - văn hoá cao cấp, dịch vụ hiện đại và công nghệ cao. Tiềm năng là thế, nhưng để Vân Đồn thực sự chuyển mình và nắm bắt được cơ hội không phải là chuyện dễ.

Có thể nói, Vân Đồn đang phải đối mặt với không ít thách thức khi trong nước cũng đã có nhiều vùng trọng điểm du lịch biển. Bên cạnh đó, Việt Nam có tới 18 khu kinh tế cùng 325 các khu công nghiệp. Và có một thực tế, không phải cứ lập ra các đặc khu kinh tế, rồi đầu tư hạ tầng và ưu đãi thuế là sẽ thành công. 

Theo ông Hoàng Trung Kiên, Phó ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, mặc dù cho đến nay kinh tế và điều kiện cơ sở hạ tầng của Vân Đồn có cải thiện nhưng còn chậm và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; vẫn là địa phương hưởng trợ cấp cân đối từ ngân sách tỉnh; Chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các nguồn lực đầu tư; Nguyên nhân chính là do: Hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu quả; Mô hình quản lý chồng chéo (có hai bộ máy quản lý điều hành về kinh tế là: UBND và Ban Quản lý Khu kinh tế); thể chế của khu kinh tế hiện chưa đủ mạnh, thiếu tính ổn định (chưa có luật nên còn bị điều chỉnh bởi các luật, nghị định chuyên ngành); Kết cấu hạ tầng mặc dù đã được cải thiện đáng kể song chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển,...

Khó khăn là thế, nhưng chính quyền Quảng Ninh vẫn khẳng định: “Chúng tôi rất tự tin khi xây dựng đặc khu Vân Đồn, dù khó nhưng cũng sẽ sớm thành công”./.