Trong thời gian nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc tiêu thụ hàng hóa của nông dân tỉnh Bến Tre gặp nhiều khó khăn. Những ngày này, chính quyền, đoàn thể và các ngành chức năng địa phương đang nỗ lực tìm hướng giải quyết đầu ra, giúp người dân giảm bớt khó khăn.

Theo thống kê của các ngành chức năng tỉnh Bến Tre, hiện nay trên địa bàn tỉnh có lượng nông sản cung cấp cho thị trường khá lớn. Hơn 3.300 tấn trái cây gồm nhãn, chôm chôm, bưởi; 2.000 tấn rau, củ; thịt heo, thịt bò gần 4.200 tấn; gia cầm 1.000 tấn; tôm sú, tôm thẻ chân trắng 6.000 tấn và cá tra 7.500 tấn...

Tại huyện Thạnh Phú, diện tích sò huyết ở xã Giao Thạnh và xã Thạnh Phong trong tháng 8 sẽ thu hoạch gần 300 tấn hiện chưa có thương lái thu mua, kết nối tiêu thụ do chưa thỏa thuận được giá bán. Ở huyện Bình Đại, hàng nông, thủy sản khá dồi dào nhưng do thực hiện giãn cách xã hội nên tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt từ 20 - 50% so với sản lượng thực tế cần tiêu thụ. 

Ông Võ Trịnh Quốc Toàn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, trước bối cảnh dịch bệnh bùng phát ngư dân nuôi nghêu, sò tại địa phương tạm ngưng thu hoạch nhưng có hơn 1.400 tấn dưa hấu, nhãn và 50 tấn đậu phụng đang vào mùa cần được hỗ trợ đầu ra.

“Huyện đang vào thời điểm chính vụ thu hoạch dưa hấu với hơn 1.000 tấn, nhưng mỗi ngày chỉ xuất được mấy chục tấn, nên đang cần những thương lái lớn đến hỗ trợ giúp bà con tiêu thụ. Riêng nhãn bây giờ còn tồn đọng ngoài 400 tấn. Huyện đang đề xuất tỉnh kết nối để tiêu thụ, có mối liên kết giúp nông dân của huyện tiêu thụ nhãn và dưa hấu”, ông Toàn nói.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre, các ngành chức năng và chính quyền, đoàn thể các địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân bán được hàng nông sản vừa đảm phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt vai trò của UBND và các đoàn thể ở cơ sở đã phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình trong khâu liên kết với thương lái, doanh nghiệp, đưa hàng nông sản của người dân sở tại đi tiêu thụ.

Ông Đặng Công Tấn, Chủ tịch UBND xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho hay, địa phương có 2 mặt hàng là dừa Xiêm và rau màu cần tiêu thụ và đã được giải cứu bằng cách cấp giấy thông hành cho các cơ sở thu mua và đưa đi tiêu thụ.

“Đối với hoa màu, xã cấp giấy vận chuyển giao người đưa hàng hóa ra chợ phường 8 bán cho bà con. Đối với những bà con đã thống nhất giá cả với các đầu mối, xã phát giấy làm sao thông qua các chốt kiểm soát ở thành phố Bến Tre. Hiện dừa Xiêm của xã đã có nguồn ra, thương lái vẫn vào thu hoạch không để trái khô”, ông Tấn thông tin.

Theo UBND huyện Châu Thành, những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, hàng nông sản ở địa phương bị ứ đọng nhưng đến nay đầu ra thuận lợi hơn. Trên địa bàn huyện hiện có dưới 100 tấn trái cây cần tiêu thụ nhưng chưa đến ế ẩm.

Ở các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm, Chợ Lách... thị trường tiêu thụ nông sản của nhà nông có khởi sắc. Đặc biệt gần đây, các Sở, ngành và đoàn thể tỉnh Bến Tre đã phối hợp đưa ra các giải pháp kết nối cung- cầu; quảng bá sản phẩm, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp xa gần đến hỗ trợ địa phương giải quyết đầu ra cho hàng nông sản. Tỉnh đoàn- Hội Nông dân tỉnh Bến Tre duy trì hoạt động Chương trình Kết nối tiêu thụ nông sản Bến Tre trong mùa dịch tiếp tục triển khai, livestream vào 18h30’ thứ Năm và Chủ nhật trên Fanpage tuoitrebentre. 

Tỉnh đoàn Bến Tre đã giới thiệu Website nongsanbentre.com. Website có giao diện đơn giản với thông tin về nông sản và giá bán. Người mua chỉ cần chọn biểu tượng “mua ngay” để đặt hàng theo quy cách đã thống nhất chung. Chương trình này đã giúp tiêu thụ trái nhãn và chôm chôm của nhà vườn.

“Hiện nay trang web mới làm được 2 loại là chôm chôm và nhãn, được tiêu thụ khá tốt, mỗi lần livestream bán được mấy tấn. Tới thời điểm này, khách hàng đang rất hưởng ứng và chương trình vẫn tiếp tục nhưng có cái khó là khâu giao hàng chậm nên phải giao hàng xong đợt này mới làm tiếp”, anh Hà Quốc Cường, Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre chia sẻ.

Dù dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, nhưng việc sản xuất hàng nông sản của người dân tỉnh Bến Tre vẫn tiếp tục; nguồn cung dồi dào để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay các sở, ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương, tiến hành khảo sát, rà soát lượng nông sản chuẩn bị tới giai đoạn thu hoạch mà còn tồn động để có hướng tháo gỡ khó khăn về đầu ra. 

Cùng với đó, Bến Tre tiếp tục gắn kết với các siêu thị, trung tâm thương mại hay các doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM trong việc  hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản của người dân địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa thuận tiện, đảm bảo an toàn dịch bệnh./.