Vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc địa bàn 3 địa phương An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ có diện tích trên 480.000 ha. Đây là vùng sản xuất và cung cấp lương thực quan trọng cho vùng ĐBSCL và cả nước.

Thời gian qua, các công trình thủy lợi đã đầu tư ở khu vực này đã mang lại hiệu quả rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội; bảo vệ an toàn tính mạng tài sản nhân dân, kiểm soát lũ một cách chủ động.

tin_dbscl_yhkm.jpg
Cánh đồng lúa tập trung vùng Tứ giác Long Xuyên

Tuy nhiên, hiện nay một số công trình không còn phù hợp với nhiệm vụ thiết kế ban đầu. Các công trình đầu tư không đồng bộ, cơ sở hạ tầng về thủy lợi, giao thông còn hạn chế nên chưa khai thác được tiềm năng lợi thế của vùng. 

Do đó, theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, việc xây dựng dự án “Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên” là quan trọng và cần thiết. Trong đó, mục tiêu chính của đề án là xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cống, đê bao kết hợp giao thông, trạm bơm điện... để ghép các tiểu vùng sản xuất nhỏ lẻ thành các vùng sản xuất lớn có diện tích từ 3.500 - 17.000 ha.

Việc quy hoạch và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng này nhằm kiểm soát và điều tiết mực nước trong mùa lũ và tích nước vào mùa khô, khắc phục tình trạng lũ lụt và hạn hán, xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Ông Nguyễn Phong Quang cho biết thêm: “Chuyện đầu tư vùng Tứ giác Long Xuyên đã chuẩn bị từ trước đến nay. Không phải đợi đến lũ nhỏ hay xâm nhập mặn như hiện nay thì mới tính. Tôi thấy rằng, vùng ĐBSCL xâm nhập mặn không phải làm vấn đề mới, mà đã có từ lâu. Bây giờ phải tập trung làm để có nguồn đầu tư cho vùng Tứ giác Long Xuyên này đạt được kết quả”./.