Theo Báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố, cảm nhận chung của doanh nghiệp (DN) với các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu đã cải thiện nhiều, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều điểm nóng khiến cộng đồng DN chưa hài lòng.
Khảo sát cho thấy, năm 2018, có 66% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục kiểm tra xác nhận mã HS trước khi khai hải quan, thì tỷ lệ này đã tăng lên 76,2% vào năm 2020. Đồng thời, cứ 10 doanh nghiệp được hỏi thì có gần 5 doanh nghiệp gặp trở ngại ở khâu xác định trị giá hàng hoá.
Tương tự, với xác định trị giá hải quan, năm 2020 vẫn có 48% doanh nghiệp gặp khó khăn. Một số khó khăn chính được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ra là tình trạng áp dụng mã HS không thống nhất giữa các cơ quan hải quan với doanh nghiệp. Nhiều lúc, doanh nghiệp bị xử phạt, truy thu mà không phải lỗi từ phía doanh nghiệp mà do cách hiểu khác nhau giữa các công chức hải quan hay giữa các cơ quan hải quan. Mức độ hợp tác để xác định mã HS chưa phải tích cực, mất nhiều thời gian.
“Xác định trị giá hải quan khiến nhiều doanh nghiệp không tâm phục khẩu phục. Có doanh nghiệp cho biết có tình trạng một số nơi cơ quan hải quan “search trên mạng, những trang web bán hàng điện tử, lấy giá đấy nhiều lúc áp cho doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp không mua hàng trên trang web bán hàng điện tử , mà có thể mua theo đơn đặt hàng riêng từ nhà máy, nên nhiều lúc tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn chỉ rõ.
Còn theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách Môi trường kinh doanh (Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), xác định trị giá hải quan là vấn đề tồn tại từ lâu, đã được phản ánh nhiều, chủ yếu liên quan tới không thống nhất giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp gây bức xúc cho doanh nghiệp. Những “oan ức” trong việc áp mã HS gây rủi ro lớn cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.
“Có rất nhiều doanh nghiệp chia sẻ thẳng thắn với chúng tôi rằng, chúng tôi muốn kiện cơ quan hải quan nhưng không dám kiện”, bà Nguyễn Minh Thảo thẳng thắn, đồng thời kiến nghị “Cơ quan hải quan cần nghiên cứu thêm về cơ chế xác định trị giá hải quan, để đảm bảo doanh nghiệp khi áp dụng mức giá của hải quan thì không cảm thấy bức xúc”.
Ông Trần Đức Nghĩa, Uỷ viên ban chấp hành Hiệp hội Logistic Việt Nam cũng cho biết, doanh nghiệp muốn kiện hải quan về việc xác định trị giá tính thuế nhưng không dám.
“Thực tế nhiều tính huống cơ quan hải quan áp trị giá tính thuế rất oan uổng làm tỷ suất lợi nhuận cho hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh nội địa của doanh nghiệp biến mất. Doanh nghiệp mong muốn cơ quan hải quan nhìn nhận khách quan”, ông Nghĩa nói.
Rõ ràng, những “oan ức”, bức xúc khi lên đến mức độ cao thì hoàn toàn có thể khiến doanh nghiệp khởi kiện cơ quan hải quan. Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan hải quan nhận thức được bức xúc của doanh nghiệp và đang từng bước khắc phục bất cập về áp mã hàng hóa HS và xác định trị giá hải quan. Nhưng đây là vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực của nhiều bộ ngành, đòi hỏi sự tham gia phối hợp của tất cả các bên liên quan.
“Chưa nước nào có biểu thuế xuất khẩu nhập phức tạp như của Việt Nam. Chúng ta đang hướng đến đơn giản mức thuế suất”, ông Cường cho hay và nhấn mạnh, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục cải thiện, cải tiến hơn nữa để doanh nghiệp ngày càng hài lòng.
Như vậy, cần sự ổn định, đồng bộ và nhất quán trong thực thi thủ tục xuất, nhập khẩu, giảm thiểu rủi ro thông quan cho doanh nghiệp. Có thế, mới không làm nhạt đi những nỗ lực cải cách của ngành hải quan trong thời gian qua, như: 87% doanh nghiệp cho rằng sự hỗ trợ của cơ quan Hải quan có tính hiệu quả; 80% doanh nghiệp hài lòng với thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan, hoặc những cải thiện đáng ghi nhận về thái độ phục vụ của công chức hải quan./.