Theo Tổng cục Hải quan, gần đây xuất hiện trường hợp doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng lụa bị người mua tố bán khăn lụa với thương hiệu Khaisilk nhưng hàng hóa còn có thêm mác “Made in China”. Sau đó, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk thừa nhập nhập khẩu 50% khăn lụa Trung Quốc về và dán mác Khaisilk “Made in Vietnam”.

vu_khaisilk_qvti.jpg
Khăn lụa thương hiệu Khaisilk bị tố có thêm mác “Made in China”(Ảnh: KT)

Hiện Bộ Công Thương cho biết sẽ chuyển vụ Khaisilk sang cơ quan điều tra là Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội tiếp tục làm rõ vụ việc. Bộ Công Thương mở rộng vụ việc, lập đoàn kiểm tra liên ngành làm rõ vấn đề vi phạm nhãn mác, xuất xứ của khăn lụa Khaisilk. Về phía cơ quan hải quan cũng đang chủ động rà soát số liệu đối với mặt hàng khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Về ghi nhãn hàng hóa, Nghị định 43/2017/NĐ-CP tại khoản 1 Điều 9 quy định: Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ đảm bảo ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất hàng hóa.Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa gồm: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa. (Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Tổng cục Hải quan cũng vừa có công văn yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ, nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm hàng hóa nhập khẩu do các công ty Việt Nam đặt nước ngoài sản xuất sau đó nhập khẩu sản phẩm về nước ta.

Khi phát hiện có vi phạm về xuất xứ, nhãn hàng hóa, Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải có báo cáo kèm hồ sơ liên quan về Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan.

Trường hợp có nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, cơ quan hải quan yêu cầu người khai hải quan cung cấp chứng từ, tài liệu liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Trong khi chờ kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, hàng hóa xuất khẩu được thông quan theo quy định.

Đối với hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước, tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải chịu trách nhiệm ghi nhãn. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về hàng hóa của mình.

Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

Nghị định 43/2017/NĐ-CP cũng quy định về ghi nhãn phụ: “Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa”.

Trường hợp hàng hóa là sản phẩm gia công theo hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài thì nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa là một trong những điều khoản tối thiểu bắt buộc phải thể hiện trong hợp đồng gia công./.