Áp lực nợ công tại Việt Nam đang tăng nhanh khi đang tiến sát trần 65% Quốc hội cho phép. Trong nhiều giải pháp để kiểm soát nợ công, việc chuyển đổi cơ chế từ cấp phát vốn vay ưu đãi ODA sang cho vay lại đối với các địa phương sẽ mang đến nhiều thay đổi, khi địa phương phải chịu trách nhiệm về khoản vay, góp phần giảm áp lực nợ công. Thế nhưng trao thêm quyền tự đi vay để tiêu cho chính quyền địa phương, thì cần phải kiểm soát như thế nào để tránh tình trạng “vung tay quá trán”, đầu tư dàn trải?

cat_linh_ha_dong_ramf.jpg
Địa phương phải chịu trách nhiệm về khoản vay, góp phần giảm áp lực nợ công.(Ảnh minh họa: KT)

Trong số vốn ODA dành cho các chương trình, dự án của địa phương thì nhà nước cấp phát tới 92,2%, cho vay lại chỉ chiếm 7,8%. Với cơ chế này, không ít địa phương có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, đua nhau lập dự án rồi xin vốn trung ương dẫn đến đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, đội vốn đầu tư lên nhiều lần. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng nợ công.

Tới đây, các khoản vay ODA sẽ được trung ương cho các địa phương vay lại và tự chịu rủi ro. Điều này sẽ tăng trách nhiệm chính quyền địa phương trong sử dụng vốn vay, góp phần quản lý hiệu quả nợ công. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại, trao thêm quyền cho chính quyền địa phương tự đi vay, thì phải có cơ chế kiểm soát như thế nào, nếu không sẽ khó tránh khỏi tình trạng vì tư duy nhiệm kỳ mà cố “vẽ” ra thêm các dự án.

Theo Bộ Tài chính, Luật ngân sách nhà nước năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ năm 2017) có những quy định chặt chẽ, quản lý các khoản vay ở các địa phương. Đối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được vay mức 60% thu ngân sách địa phương. Trong khi có những địa phương chỉ được vay 20-30% thu ngân sách.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, việc khống chế mức trần này là cần thiết, không để “phình” to thêm các khoản vay nợ của địa phương: “Trước đây địa phương coi đó như khoản viện trợ cho không. Luật Đầu tư công mới thì địa phương phải bố trí được vốn, phải có kế hoạch trả nợ. Sẽ không thể vung tay quá trán được. Địa phương chỉ được vay nợ trong khoảng nhất định liên quan đến chi đầu tư xây dựng cơ bản, tùy từng địa phương thu ngân sách bao nhiêu. Bị giới hạn bởi điều đó, nên không phải muốn vay bao nhiêu cũng được. Phải có nguồn hàng năm để trả nợ.”

Theo bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, việc cho vay lại đối với địa phương cần dựa trên năng lực tài khóa của mỗi địa phương và chia theo từng nhóm cụ thể, đồng thời phải có công cụ đánh giá năng lực trả nợ của địa phương. Cơ chế quản lý nợ cũng cần được nâng cao hơn nữa. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam sẽ phải đánh giá mức bền vững nợ của các địa phương. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để các nhà tài trợ quyết định có cho vay hay không.

Bà Vũ Hoàng Quyên cũng  khuyến cáo cần có cơ chế quản lý các khoản nợ đọng có thể phát sinh, để các địa phương ý thức hơn về trách nhiệm trả nợ: “Các đánh giá về điều kiện vay lại và khả năng trả nợ nên thực hiện sớm trong quá trình thẩm định dự án. Ví dụ bước một có thể đánh giá mức trần, nên đánh giá ngay ở khi thực hiện chủ trương vay vốn, giúp sàng lọc các dự án mà đp vượt mức trần. Đánh giá khả năng nợ bền vững, nên thực hiện sau nhưng không quá muộn, tránh khi đàm phán dự án, có thay đổi quá muộn thì sẽ mất thời gian cho các bên.”

Tới đây, khi nguồn vốn ODA cho địa phương vay lại cũng được xem như nguồn vốn thương mại khác. Theo đó, Ngân hàng thương mại chỉ cho vay các dự án nằm trong danh mục đầu tư được thông qua và được các nhà tài trợ đồng ý cho vay. Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại – Bộ Tài chính cho biết, với cơ chế mới này, ngân hàng thương mại được tiếp cận ngay từ ban đầu với các dự án, cùng chịu rủi ro về dự án. Do đó ngân hàng thương mại, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước sẽ buộc phải lựa chọn dự án hiệu quả thì mới thực hiện đầu tư. Điều này được kỳ vọng là sẽ nâng cao hiệu quả dự án, đảm bảo tiến độ trả nợ. Chuyển dần sang cơ chế thương mại là để có dự án khả thi và tham gia đi vay trả nợ được thì các ngân hàng thương mại được phép tiếp cận dự án ngay từ ban đầu. Trong quá trình giải ngân và thu nợ, ngân hàng có trách nhiệm chịu rủi ro nên phải thẩm định dự án, kiểm soát giải ngân dự án, kiểm soát tính tuân thủ của các chủ dự án và khả năng tài chính của chủ dự án.

Dự kiến từ tháng 7/2017, Việt Nam có thể không được vay theo điều kiện ODA, mà chuyển chủ yếu sang vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi, hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%. Áp lực này càng cho thấy cần thiết có một cơ chế sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài một cách hiệu quả hơn. Cơ chế cho vay lại đối với địa phương sẽ đưa ra nhiều thay đổi trong việc vay và sử dụng vốn ODA. Điều quan trọng là phải làm rõ trách nhiệm cá nhân trong quyết định các dự án đi vay ODA và người ký đề xuất vay. Có như vậy mới kiểm soát được vay và sử dụng một cách hiệu quả, để không tạo thêm áp lực nợ công trong tương lai./.