VN-Index có thể hồi phục trở lại để cố gắng lấy lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm
Tình hình giữa Nga và Ucraina vẫn đang leo thang cẳng thẳng khiến cho chứng khoán toàn cầu mà đại diện là thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm mạnh. Điều này cũng đã có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên 24/2. Áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên và mạnh dần sau đó đã khiến chỉ số VN-Index có lúc giảm đến đến 38 điểm. Rất may là lực cầu bắt đáy xuất hiện trong phiên chiều đã giúp thị trường thu hẹp đáng kể mức giảm kể trên. Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/2, chỉ số VN-Index giảm 17,45 điểm (-1,15%) xuống 1.494,85 điểm. Độ rộng thị trường là tiêu cực với chỉ 75 mã tăng (12 mã tăng trần), 28 mã tham chiếu, có đến 396 mã giảm (8 mã giảm sàn).
Trong nhóm VN30 (-1,09%) có 25/30 mã giảm và đây là nguyên nhân chính tạo nên áp lực điều chỉnh lên thị trường, có thể kể đến: TPB (-3,2%), CTG (-2,9%), HDB (-2,9%), VIC (-2,9%), VRE (-2,6%), KDH (-2,4%), TCB (-2,3%), BID (-2,2%), POW (-2,2%), STB (-2,1%)...
Ở chiều ngược lại, giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng tăng giúp cho nhóm cổ phiếu dầu khí hưởng lợi với đà tăng mạnh thời gian gần đây PVS (+4,8%), BSR (+2,5%), PVD (+6,3%), PLX (+1,4%), OIL (+4,6%), PSH (+5,8%), PVC (+9,6%), PVB (+9,8%), PVO (+14,3%)... Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngành hóa chất cũng có diễn biến rất tích cực khi đồng loạt tăng mạnh hoặc tăng trần như: DPM (+6,9%), DCM (+7%), DGC (+3,1%), LAS (+9,9%), DDV (+6,7%)...
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index tuy đánh mất ngưỡng tâm lý 1.500 điểm nhưng vẫn kết phiên trên vùng hỗ trợ kỹ thuật 1.485-1.490 điểm (MA20-50), điều này cho thấy là xu hướng tăng đã bị ảnh hưởng nhưng vẫn chưa chuyển sang pha tiêu cực.
“Nếu như không có những leo thang trong căng thẳng giữa Nga và Ucraina trong đêm 24/2 thì trong phiên giao dịch cuối tuần 25/2, VN-Index vẫn có thể hồi phục trở lại để cố gắng lấy lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm. Những nhà đầu tư đã mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và cân nhắc gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu nếu thị trường có nhịp chỉnh về vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm (đáy tháng 1/2022)”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Thị trường sẽ sớm tìm lại điểm cân bằng để tiến về vùng 1.520 điểm
Còn theo nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), chỉ số VN-Index đã tạo thành công cây nến rút chân khi chạm hỗ trợ quanh vùng 1.480 điểm (MA50) và thu hút một dòng tiền lớn tham gia mua vào tại đây. Lực cầu lớn đã đưa điểm số hồi phục về phần giữa thân nến giúp cân bằng áp lực từ phe bán. Các chỉ báo động lượng RSI, MACD vẫn ở vùng tích cực và chưa có dấu hiệu đảo chiều.
“Thị trường chỉ chịu áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn và sẽ sớm tìm lại điểm cân bằng để tiến về vùng 1.520 điểm. Nhà đầu tư có thể tận dụng những phiên điều chỉnh này để gia tăng tỷ trọng danh mục với các mã cổ phiếu đầu ngành, tập trung vào các nhóm ngành đang được hưởng lợi từ giá hàng hóa thế giới như dầu khí, phân bón và hóa chất”, chuyên gia của Agriseco nhận định.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), phiên 24/2 bắt đầu cho tín hiệu đảo chiều về cuối phiên khi lực cầu trong phiên suy yếu dần và lực bán với khối lượng lớn xuất hiện vào cuối phiên. Thêm vào đó, việc chỉ báo kỹ thuật đã tiến gần vùng quá mua cũng như chỉ số đang tiệm cận ngưỡng 1.520 điểm có thể sẽ kích hoạt tâm lý chốt lời trên thị trường.
“Các đường trung bình động 50 và 100 ngày (tương ứng vùng điểm 1,470 – 1,480) tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho chỉ số trong ngắn hạn. Theo đó, nhà đầu tư có thể giải ngân tích lũy với tỉ trọng vừa phải vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình, và nếu chỉ số chung có thể giữ vững mốc 1.500 điểm trong những phiên tới thì nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, trong đó chú trọng vào nhóm cổ phiếu “trụ” đóng vai trò dẫn dắt chỉ số, đồng thời cũng nên chọn lọc và đưa vào danh mục đầu tư trung – dài hạn một số cổ phiếu của các doanh nghiệp được dự báo có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý I cũng như cả năm 2022”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị./.