Lý do bán lại Công ty Thương mại và Thời trang Việt Nam (Vinatexmart) cho Vingroup hồi tháng 4 vừa qua, đã được lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) lý giải: Do doanh nghiệp không muốn kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng khác ngoài sản phẩm may mặc trong hệ thống phân phối nội địa.
Theo Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường, với 13 năm hoạt động trên thị trường bán lẻ, Vinatexmart đã mở rộng được mạng lưới, song không có sự tương thích về quy hoạch địa điểm với các sản phẩm dệt may. Trong khi, theo định hướng ban đầu, các mặt hàng dệt may thuộc hạng trung thì rất nhiều vị trí bán lại ở khu vực nông thôn, vùng núi.
Ngoài ra, doanh thu hàng hóa tổng hợp chiếm đến 2/3, sản phẩm dệt may lại khiêm tốn ở mức 1/3. "Điều này không hoàn toàn phù hợp chiến lược mà Vinatex đưa ra trước đó. Chúng tôi mong muốn phân phối những hàng hóa dệt may và xem đây là mặt hàng cốt lõi chứ không muốn phân phối bán lẻ đến 70% các mặt hàng tiêu dùng tổng hợp, chưa kể các địa điểm kinh doanh đều đi thuê chứ không phải là tài sản của tập đoàn", ông Trường nói.
Ông Trường cho biết, tập đoàn xác định Vingroup là đối tác chiến lược, có sẵn lợi thế hạ tầng về hệ thống phân phối bán lẻ, do đó việc bán lại Vinatexmart là hoàn toàn phù hợp.
Phủ nhận thông tin hiệu quả kinh doanh của Vinatexmart đã ảnh hưởng đến phần doanh thu nội địa của tập đoàn, vị này cho hay doanh thu của tập đoàn đến từ 3 nguồn chính gồm: Vinatexmart, hệ thống cửa hàng bán lẻ của các doanh nghiệp thành viên và từ việc bán sợi, vải giữa các đơn vị.
Cụ thể, trong 22.000 tỷ đồng doanh thu năm 2014, hệ thống Vinatexmart chỉ có 2.300 tỷ đồng chiếm 10%, số còn lại đến từ lĩnh vực khác."Trong phần doanh thu của đơn vị bán lẻ này thì hàng hóa quần áo chỉ có 500-600 tỷ đồng. Do vậy, đối với chúng tôi ảnh hưởng của Vinatexmart lên kết quả kinh doanh nội địa gần như không có", CEO Vinatex nhấn mạnh.
Ông cho biết, sau khi nhượng Vinatexmart cho đối tác, mạng lưới phân phối các sản phẩm may mặc theo thương hiệu của các công ty thành viên đang là trọng tâm và thực tế, mô hình này đem lại hiệu quả kép cho tập đoàn. Không chỉ doanh thu, mà quan trọng hơn thương hiệu cũng được định vị chặt chẽ hơn với thị trường.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng, doanh thu tập đoàn đạt 24.241 tỷ đồng tăng 9,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng 6%. Trước đó, hồi tháng 4, Công ty Cổ phần siêu thị VinMart (Vingroup) đã hoàn tất mua lại 100% vốn sở hữu của Vinatex tại Vinatexmart. Sau thương vụ này, Vingroup trở thành chủ sở hữu mới của chuỗi 39 siêu thị chuyên bán đồ thời trang, may mặc trên 19 tỉnh thành trong cả nước./.