Ngày 25/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo công bố Kế hoạch hành động phát triển 4 ngành công nghiệp chủ lực trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản nhằm tăng cường năng lực sản xuất của 4 ngành công nghiệp chủ lực, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế gồm: Máy nông nghiệp; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; công nghiệp điện tử; và công nghiệp chế biến nông thủy sản. Đây là những ngành giữ vai trò dẫn dắt về thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo lan tỏa công nghệ và kỹ năng trong toàn bộ nền kinh tế.
Việc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chiến lược nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng trưởng năng suất lao động và tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc tế; đồng thời, phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa công nghệ, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Hai nước sẽ tạo ra được 1 môi trường để thu hút đầu tư, có thể là đầu tư nhà nước, có thể là thu hút đầu tư tư nhân, của cả Việt Nam và Nhật Bản, nhưng cũng có thể là nhà đầu tư của nước khác. Hai bên sẽ có trách nhiệm tham gia ngay từ đầu, trao đổi, thảo luận với nhau cùng xây dựng các tiêu chí, cùng đánh giá phân tích các ngành, lựa chọn ngành, sau đó tham gia vào xây dựng chiến lược này.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ NN&PTNT đã công bố kế hoạch hành động của các nhóm ngành công nghiệp được lựa chọn.
Thực hiện thành công kế hoạch này, đến năm 2020, các ngành được ưu tiên phát triển sẽ đi đầu trong áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với đảm bảo tính hợp lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam; giá trị sản xuất của các ngành ưu tiên tăng tối thiểu 20% hàng năm và đóng góp tối thiểu 35% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Đến năm 2030, các ngành được ưu tiên phát triển sẽ chủ yếu áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với đảm bảo tính hợp lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, để đề án này có giá trị thực tế, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến Nông lâm Thủy sản và nghề muối cho rằng, cần có các giải pháp cụ thể cho từng ngành, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp hai bên vào quá trình thực hiện.
“Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch rất cụ thể, chi tiết. Xác định các hàng hóa nào lựa chọn thì vùng nào là vùng trọng tâm, doanh nghiệp nào là doanh nghiệp đầu tàu để đưa vào thực hiện việc liên kết. Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản, với Cơ quan hợp tác Nhật Bản tổ chức giao thương giữa doanh nghiệp hai nước, trên cơ sở đó, các doanh nghiệp thực hiện là chính. Để làm tốt hơn thì các địa phương được lựa chọn tham gia dự án này phải có sự chuẩn bị hạ tầng nông nghiệp, chuẩn bị vùng sản xuất hàng hóa để thu hút đầu tư của phía Nhật Bản tốt hơn”, ông Hòa khẳng định./.