Nằm trong khuôn khổ của Hội nghị Tham tán thương mại 2013, sáng nay (23/12), tại Hà Nội, đã diễn ra phiên thảo luận về Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2020.

Năm nay, tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đã góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước, với kim ngạch ước đạt hơn 94 tỷ USD, tăng trên 27% so với năm ngoái.

thu-truong-le-duong-quang.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang

Đây là nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất, quy mô xuất khẩu lớn nhất và là nhóm hàng chủ lực trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch cao như: dệt may, giày dép, điện thoại di động, gỗ và sản phẩm gỗ. Một số ngành phát triển mạnh đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng của cả nước như năng lượng, công nghiệp hóa chất, hóa dầu, công nghiệp hỗ trợ...

Ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương nhận định: Công nghiệp đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian khá dài, bình quân 10 năm đạt trên 15%. Tăng trưởng trên cả 3 khu vực Nhà nước, ngoài Nhà nước và đầu tư nước ngoài và vị thế của ngành công nghiệp ngày càng được khẳng định, sản phẩm công nghiệp ngày càng phong phú và đa dạng, đảm bảo cung ứng ra các sản phẩm và nguyên liệu thiết yếu cho cả tiêu dùng và sản xuất. Đặc biệt xuất khẩu chiếm trên 80% kim ngạch.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành công nghiệp Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế như: hiệu quả đầu tư thấp, các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy tác dụng; công  nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, sản xuất còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập, như dệt may, bia. Để khắc phục những điểm yếu này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết: “Đối với một số ngành công nghiệp mũi nhọn, chúng ta đã có chủ trương để tập trung phát triển, tuy nhiên cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật chưa hoàn toàn hoàn chỉnh đồng bộ. Thời gian tới chúng tôi sẽ trình chính phủ trong chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, sẽ tập trung chỉ đạo, ưu tiên, đặc biệt xây dựng cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh cho các ngành công nghiệp mũi nhọn. Nếu chúng ta làm tốt như vậy mới đạt được mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp”.

Hội thảo đã đề ra chiến lược công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 là khai thác triệt để lợi thế trong nước và cơ hội quốc tế; tham gia chủ động và hiệu quả vào mạng lưới sản xuất công nghiệp khu vực và quốc tế, thu hút đầu tư có chọn lọc; Huy động tối đa mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế; phát triển các ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, quy trình công nghệ hiện đại../.