Chủ tịch Uỷ ban Thương mại Quốc tế Nghị viện châu Âu, ông Mep Bernd Lange, cho biết, các vấn đề tồn đọng trong vòng đàm phán cuối cùng về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU có thể sẽ được giải quyết vào tháng 6 để sớm ký kết FTA.

Chiều 8/4 tại Hà Nội, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo nhân dịp đoàn Nghị viện Châu Âu sang thăm Việt Nam từ ngày 6-9/4. Đoàn do Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế, Nghị sĩ Bernd Lange (Đảng Dân chủ Xã hội, Đức), dẫn đầu.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo liên quan tiến trình đàm phán FTA Việt Nam và EU, ông Bernd Lange cho biết, đến nay rất nhiều vấn đề quan trọng đã được hai bên thống nhất, tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn đọng liên quan đến tiếp cận thị trường để đảm bảo lưu thông tự do hàng hóa, phát triển lĩnh vực kinh tế nhà nước và đầu tư nước ngoài...chưa được thống nhất.

bernd_lange_xtqa.jpg

Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế, Nghị sĩ Bernd Lange, tại buổi họp báo ngày 8/4

Nghị sĩ Bernd Lange cam kết, từ nay đến tháng 6, cả hai phía sẽ cố gắng hết sức để hoàn tất vòng đàm phán cuối cùng nhằm giải quyết những vấn đề nhạy cảm còn tồn tại liên quan đến đặc trưng của hai nền kinh tế Việt Nam và EU để thông qua FTA.

Ông bày tỏ mong muốn rằng Việt Nam sẽ sớm giải quyết các vấn đề về tiếp cận thị trường để đảm bảo sự lưu thông tự do của hàng hóa và dịch vụ, các chính sách về mua sắm chính phủ cũng như tạo môi trường bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế. Ông cũng tin tưởng vào sự thành công của cuộc đàm phán để sớm thông qua FTA có lợi cho cả hai bên để đảm bảo sự minh bạch và cam kết rõ ràng trong quá trình thực hiện lộ trình do FTA đề ra.

Theo nghị sĩ Bernd Lange, nghị viện châu Âu đóng vai trò quan trọng vì theo dõi toàn bộ các vòng đàm phán, nên có quyền nói có hay không với FTA này và mong phía Việt Nam có thể thuyết phục được Nghị viện Châu Âu và EU rằng FTA sẽ là một thỏa thuận đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông hy vọng sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về sự chuẩn bị của Việt Nam đối với FTA cũng như có thêm thông tin về Việt Nam trước khi chính thức phê chuẩn FTA.

Ông nhấn mạnh, EU là một thị trường lớn với 27 quốc gia thành viên, và luôn là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam. Việc ký kết FTA sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU khi rất nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm thuế như may mặc, giày da và đặc biệt là các mặt hàng nông sản... Đây là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào EU thực tế đang chịu mức thuế rất cao dù Việt Nam đang được hưởng Quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Với châu Âu, nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Việt Nam đang chịu mức thuế cao như máy móc, ô tô, dược phẩm cũng được hưởng lợi về thuế.FTA cũng sẽ là cú hích giúp thu hút nhiều nhà đầu tư EU có công nghệ cao đến Việt Nam.

Nghị sĩ Bernd Lange nhận định, Việt Nam đã nỗ lực để có những chính sách đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam cần có các biện pháp mạnh hơn nữa để đảm bảo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp nước ngoài để các nhà đầu tư châu Âu cảm thấy tự tin khi đến với quốc gia này.

Liên quan đến vấn đề nền kinh tế thị trường, ông cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực trong thời gian gần đây, nhưng để đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật thì cần nhiều thời gian hơn và nỗ lực hơn nữa.

Theo nghị sĩ Bernd Lange, để được EU công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ, Việt Nam phải tuân thủ 5 tiêu chí: Phải hết sức minh bạch, Nhà nước pháp quyền phải tôn trọng pháp luật đã đề ra; Tiền tệ ổn định; Đối xử công bằng với tất cả các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, Việt Nam phải đảm bảo không có tình trạng chi tiền một cách không chính thức hay mập mờ vì nếu như vậy nhà đầu tư sẽ rất e dè với Việt Nam.

Trong chuyến thăm, Đoàn nghị sĩ, do Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế - Nghị sĩ Bernd Lange dẫn đầu, đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng. Đoàn cũng có các cuộc gặp với Quốc hội, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và Liên đoàn Lao động Việt Nam.  

Sau chương trình tại Hà Nội, Đoàn nghị sĩ sẽ tới thăm thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, đoàn sẽ gặp gỡ và làm việc với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân. Ngoài ra, đoàn sẽ tới thăm hai nhà máy bao gồm một nhà máy chế tạo ô tô nơi mà các sản phẩm ô tô của châu Âu được sản xuất.

Cùng tham gia chuyến công tác lần này còn có các báo cáo viên thường trực về thương mại với Việt Nam của Nghị viện châu Âu: Jan Zahradil (Nhóm Cải cách và Bảo thủ châu Âu, Cộng hòa Séc), Iuliu Iuliu Winkler (Đảng Nhân dân Châu Âu, Ru-ma-ni), David Martin (Đảng Xã hội và Dân chủ, Anh) và một số nghị sĩ khác.

EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi đó Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 32 của EU. Các vòng đàm phán hiệp định tự do thương mại giữa hai bên được khởi động vào tháng Sáu năm 2012 và được kỳ vọng là sẽ kết thúc trong năm 2015 này. Dệt may là ngành công nghiệp tạo ra nhiều việc làm nhất và đồng thời cũng là lĩnh vực có khả năng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam./.