Vì sao chưa có đồng vốn ngoại nào rót vào PPP giao thông?
Thứ Hai, 14:41, 01/05/2017
Dù nhiều tiềm năng nhưng đến thời điểm này trên thực tế vẫn chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư vào dự án PPP giao thông.
Đầu tư dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP) từng là một trong những mô hình cả nhà nước cũng như các nhà đầu tư kỳ vọng, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, đến thời điểm này trên thực tế vẫn chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư vào một dự án PPP giao thông nào.
(Ảnh minh họa: KT)
Nhà đầu tư sợ PPP
Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp hiện nay việc thu hút vốn tư nhân vào đầu tư các lĩnh vực giao thông là việc cần thiết. Thời gian qua, nhà nước cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc kêu gọi vốn vào các dự án giao thông theo hình thức PPP, song còn gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế có rất nhiều nhà đầu tư ngoại tìm đến các dự án hạ tầng giao thông mong muốn hợp tác nhưng vẫn chưa có bất cứ “thương vụ” nào thành công.
Bình luận vấn đề này với BizLIVE, TS. Phạm Sanh - chuyên gia giao thông, cho biết đến thời điểm này vẫn chưa có nhà đầu tư ngoại rót vốn vào PPP giao thông vì họ lo ngại gặp nhiều rủi ro.
“Nhà đầu tư nước ngoài trước khi tham gia bất kỳ lĩnh vực nào họ cũng sẽ tìm hiểu thông qua các nhà đầu tư trong nước trước. Đối với các dự án giao thông PPP hiện nay, nhà đầu tư trong nước còn “sợ” huống chi nhà đầu tư ngoại”, ông Sanh nói.
Theo ông Sanh, vấn đề lo ngại đầu tiên đó chính là câu chuyện chính sách. Ngành giao thông có đặc điểm là tổng mức đầu tư lớn lại thu hồi vốn lâu, do vậy nếu chính sách cơ chế không ổn định thì nhà đầu tư sẽ rất ngại rút vốn.
Vị chuyên gia này cho biết, hiện Việt Nam có hai nghị định liên quan trực tiếp đến PPP đó là là Nghị định 15/2015 của Chính phủ và Nghị định 30/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.
Tuy nhiên, theo ông Sanh, đến thời điểm này vẫn chưa được triển khai một cách cụ thể, mọi quy định còn rất chung chung. Chẳng hạn như Nghị định quy định vốn nhà đầu tư là 15%, nhưng không rõ 85% phần vốn còn lại thì huy động lãi suất như thế nào, rồi suất đầu tư bao nhiêu hay xác định các giá xây dựng ra sao… Nếu cơ chế chính sách hỗ trợ về tài chính không rõ ràng thì sẽ khó thu hút nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư làm ăn chân chính.
“Các dự án PPP ở các nước được chuẩn bị và thẩm định rất kỹ, rất công khai và minh bạch thông tin. Ở nước ta, các dự án này còn nhiều mập mờ về thông tin. Chính sự thiếu minh bạch cũng khiến cho các dự án PPP giao thông trở nên không hấp dẫn, không thu hút được nhà đầu tư ngoại”, ông Sanh nói.
Từng một thời nổi tiếng với một loạt dự án BOT lớn, Tasco được mệnh danh là “ông trùm” BOT. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, lãnh đạo công ty này liên tục “than” làm BOT không ăn thua và có ý định dừng đầu tư vào lĩnh vực này.
Tại đại hội cổ đông vừa diễn ra, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Tasco cũng khẳng định do đầu tư BOT nhiều rủi ro do vậy công ty chuyển hướng sang đầu tư bất động sản, y tế và công nghệ cao.
Ông Phạm Quang Dũng cho biết đầu tư vào BOT giao thông có tỷ suất lợi nhuận thấp (11,5% trên vốn chủ sở hữu) trong khi đó thời gian thu hồi vốn dài. Thêm vào đó ông Dũng cũng cho biết chính sách liên quan đến PPP vẫn còn nhiều bất cập.
Ngoài được quy định trong Nghị định riêng về PPP (Nghị định 15 của Chính phủ), ông Dũng cho biết việc đầu tư theo cơ chế này còn “xuất hiện” trong rất nhiều luật khác và liên quan đến rất nhiều bộ ngành. Do vậy không tránh khỏi sự xung đột, chồng chéo và bất cập.
Ông Dũng cũng chia sẻ thêm, ngoài vấn đề về chính sách PPP thì giải phóng mặt bằng và tỷ suất lợi nhuận thấp cũng là rào cản khiến nhà đầu tư e ngại.
“Nhiều nhà đầu tư họ sợ giải phóng mặt bằng ở Việt Nam quá chậm”, ông Dũng cho biết mới đây một nhà đầu tư Nhật sau khi tìm hiểu một dự án ở Việt Nam đã quyết định rút vì không thống nhất được vấn đề giải phóng mặt bằng với cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Danh Huy - Trưởng ban Ban quản lý các dự án PPP - Bộ Giao thông vận tải cũng thừa nhận việc cơ chế chính sách bảo lãnh, chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư chưa đầy đủ, rõ ràng thì không hấp dẫn được các nhà đầu tư.
Làm thế nào để nhà đầu tư có động lực bỏ vốn?
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Phạm Sanh cho rằng nguồn vốn trong dân có tiềm năng rất lớn, vấn đề làm sao phải xây dựng được cơ chế thu hút đầu tư hấp dẫn để các nhà đầu tư có động lực bỏ vốn ra.
Đầu tiên, theo ông Phạm Sanh thì cần có chính sách hỗ trợ chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư một các minh bạch rõ ràng. Chính sách chia sẻ rủi ro chưa rõ ràng là lý do khiến PPP kém hấp dẫn.
Các bản hợp đồng phải được xây dựng thật chặt chẽ, trong đó quyền lợi cũng như trách nhiệm của các bên phải được quy định rõ ràng, thống nhất. Đặc biệt phải có các quy định ràng buộc các bên thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận trong hợp đồng, cùng hưởng lợi và cùng chia sẻ rủi ro.
Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý thì khung tài chính và khung kỹ thuật cũng cần được bổ sung hoàn thiện. Hiện nay nhìn chung các nhà đầu tư đều rất sợ sự thay đổi liên tục và đột ngột của chính sách liên quan đến quản lý tài chính. Bởi điều này chắc chắn sẽ làm gia tăng rủi ro, tăng chi phí và giảm lợi nhuận cho họ. Do vậy cần hoàn thiện sớm theo hướng ổn định, giảm thiểu tối đa sự rườm rà, làm sao cho nhà đầu tư thấy rõ lợi nhuận trong mức rủi ro chấp nhận được.
Một việc quan trọng không kém đó là cần tổ chức đấu thầu minh bạch, công khai để lựa chọn dự án và nhà đầu tư thay vì chỉ định đầu.
Theo ông Sanh, cách làm phổ biến hiện nay, thường nêu lý do chỉ có một nhà đầu tư nên chỉ định nhà đầu tư. Cần phải làm rõ vấn đề này, tiến hành kiểm tra xem có đúng như vậy không nhằm tránh hiện tượng thông thầu và đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư khi muốn tham gia.
Ngoài ra, ông Sanh cho rằng trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nợ công ngày càng cao thì cần tập trung vốn theo hướng giảm bớt đầu tư các dự án PPP hiệu quả thấp và chưa thực sự bức thiết chưa cần thiết. Chỉ nên triển khai kêu gọi thu hút những dự án quan trọng, mang lại lợi ích kinh tế xã hội cao và bền vững.
Còn theo ông Phạm Quang Dũng, vì hiện nay PPP bị ràng buộc bởi quá nhiều luật và liên quan đến quá nhiều các bộ ngành, do vậy cần tiến tới vào trong một luật để thống nhất, đảm bảo quyền lợi cho cả nhà nước, nhà đầu tư và người dân./.
VOV.VN - Nguồn vốn bố trí để phát triển giao thông giai đoạn 2016 - 2020 mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu, khiến 27 dự án quan trọng có nguy cơ dừng, giãn tiến độ.