Để di dời và tiến đến chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng lộ trình đến cuối năm 2024 sẽ di dời các trang trại đến khu chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết các địa phương chưa tìm được địa điểm làm khu chăn nuôi tập trung đúng quy hoạch sử dụng đất.
Dân kêu khó
Huyện Châu Đức là địa phương tập trung số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm nhiều nhất của tỉnh. Nhiều năm nay, huyện vẫn đang tìm kiếm địa điểm để quy hoạch khu chăn nuôi tập trung. Địa phương này hiện có 42 trang trại chăn nuôi thuộc diện phải di dời, trong đó có một số trang trại đã nhận hỗ trợ đi dời và chấm dứt hoạt động. Đối với các trang trại chưa đồng ý di dời thì chủ trang trại chưa tìm được quỹ đất phù hợp, đúng quy hoạch.
Anh Đinh Huề, ngụ ấp Phú Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức cho biết, cách đây 10 năm, gia đình anh vào khu vực ấp Phú Sơn mua 1 ha đất để làm trang trại chăn nuôi. Hiện nay, mỗi lứa anh nuôi gần 20.000 con gà, sau khi trừ các chi phí còn lời khoảng trên 50 triệu đồng. Mặc dù trang trại nằm xa khu dân cư nhưng do phần đất này nằm ngoài quy hoạch chăn nuôi tập trung nên vẫn thuộc diện phải di dời.
Anh Huề chia sẻ, cơ quan chức năng huyện và xã đã nhiều lần thông báo, tuyên truyền về việc di dời cơ sở, nhưng anh vẫn chưa biết đâu là khu vực quy hoạch chăn nuôi.
“Bây giờ chỉ mong chính quyền chỉ cho dân điểm di dời, nếu dân không có đất thì đi thuê, chứ bây giờ tháo dỡ ra thì không làm được. Ở vùng này rất xa khu dân cư, nếu nhà nước chưa làm gì thì để cho người dân sống thêm ít năm nữa, đó là nguyện vọng của nông dân” - anh Huề đề nghị.
Còn ông Trần Tấn Huy, hộ chăn nuôi gà ở xã Đá Bạc, huyện Châu Đức cho biết, gia đình chấp nhận di dời trại chăn nuôi, nhưng đến nay vị trí mới theo quy hoạch chưa biết cụ thể, còn nếu thuê đất đúng quy hoạch để xây dựng trang trại thì giá rất cao. Ông Huy mong muốn được gia hạn thời gian di dời đến hết tháng 12/2024.
“Nếu đến khu nuôi mới mà nhà nước cho thuê đất thì cố gắng vay mượn để đầu tư chuồng trại theo quy trình của nhà nước. Mong Nhà nước cho nông dân chúng tôi thêm thời gian hoạt động để duy trì hoạt động, nuôi con ăn học. Dân ở đông rồi tính tiếp chứ bây giờ khu này đâu có ai ở trong đây” - ông Huy nói.
Kiên quyết di dời
Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức cho biết, giá đất hiện khá cao, gây khó khăn cho chủ trang trại khi tìm vị trí chăn nuôi mới và phù hợp quy hoạch, đồng thời chi phí đầu tư trang trại mới tại địa điểm mới rất lớn so với mức hỗ trợ di dời hiện nay.
Bên cạnh đó, gần 200 ha được quy hoạch khu chăn nuôi tập trung của huyện tại thôn 3, xã Suối Rao đang nằm trong phạm vi Dự án hồ chứa nước Sông Ray 2 nên khu vực này khó xây dựng vùng chăn nuôi tập trung vì diện tích bị hạn chế.
Ông Khởi cho biết thêm, địa phương đang tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, không tăng đàn và thực hiện đúng quy định của Luật chăn nuôi.
“Đối với góc độ quản lý nhà nước về chăn nuôi, huyện kiến nghị UBND tỉnh có chủ trương tạo điều kiện cho người chăn nuôi làm thủ tục nhanh hơn để triển khai xây dựng trang trại mới, hoặc địa điểm mới mà người dân muốn di dời. Đồng thời mở rộng thêm vùng quy hoạch để người dân có điều kiện chăn nuôi” ông Khởi nói.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện toàn tỉnh có 207 trang trại chăn nuôi, trong đó có 118 trang trại heo, 89 trang trại gà và bò. Kết quả thanh tra cho thấy, có 105 trang trại nằm ngoài quy hoạch, trong đó có đến 84 trang trại chăn nuôi đang gây ô nhiễm môi trường, phần lớn không đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có đầu tư nhưng không đạt quy chuẩn.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 địa phương đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung là Thị xã Phú Mỹ và TP Bà Rịa; 6 huyện, thành phố còn lại chưa được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông qua quy hoạch chăn nuôi. Dự kiến đến ngày 31/12/2024, tỉnh sẽ di dời và tiến đến chấm dứt hoạt động các trại chăn nuôi ngoài vùng quy hoạch.
Trong thời gian chờ quy hoạch địa điểm chăn nuôi phù hợp, các địa phương có nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm như Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ… kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác bảo vệ môi trường của từng cơ sở chăn nuôi. Cùng với đó là tuyên truyền đến các cơ sở chăn nuôi thực hiện các thủ tục để di dời, chấm dứt hoạt động 100% trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm không phù hợp quy hoạch./.