Phân tích về tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2016 – một phần nội dung trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, tăng trưởng kinh tế 2016 không đạt như kỳ vọng.

Dù phục hồi trong nửa cuối năm, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,21%, thấp hơn mức 6,68% năm 2015 và mục tiêu 6,3% mà Chính phủ đặt ra trong phiên họp thường kỳ tháng 9/2016.

Do đó, trong chương 8 của Báo cáo về viễn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2017 và khuyến nghị chính sách, VEPR cung cấp hai kịch bản tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2017.

img_1106_rxrl.jpg
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách.
Ở kịch bản tăng trưởng 6,7%, lạm phát ở mức 3,2% có thể đạt được với quyết tâm cao của Chính phủ nhưng sẽ đặt ra vấn đề bền vững trong tăng trưởng. Còn với kịch bản kinh tế tăng trưởng tự nhiên, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,37% và lạm phát cả năm dừng ở mức thấp nhất là 2,35%.

Phân tích về 2 kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2017, TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, hai kịch bản này được Báo cáo đưa ra dựa trên những yếu tố lớn. Kịch bản đầu tiên dựa vào trạng thái thực của nền kinh tế đang diễn tiến từ năm trước đến năm nay.

Theo đó, nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước trong việc thực thi kế hoạch đề ra với mức tăng trưởng 6,7%, nền kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 6,37%.

Cùng với đó, lạm phát không cao vì nhiều yếu tố như giá lương thực, thực phẩm giảm mạnh do nguồn cung trên thị trường chăn nuôi tạo ra nguồn cung quá mức… Trong khi đó, chính sách tiền tệ thời gian qua cũng được điều hành chặt chẽ vì lạm phát lõi tương đối ổn định, thậm chí là giảm.

Ở kịch bản khác, TS. Thành cho biết, theo tính toán của VEPR, khi Chính phủ thực hiện được đúng cam kết của mình như trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ sau phiên họp đầu tháng 6 vừa qua, các ngành, các cơ quan, các khu vực cùng thực hiện theo kế hoạch đó sẽ đạt được tăng trưởng như mức Chính phủ mong muốn 6,7%.

“Nhưng VEPR thấy rằng, ở kịch bản này, lạm phát có gia tăng thêm vì người ta sử dụng nguồn lực tương đối nhiều, vượt quá cả tiềm lực của mình nên cần phải cân nhắc đến cái giá phải trả để đạt được mục tiêu tăng trưởng này. Đặc biệt cần tính đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam bền vững trong dài hạn”, TS. Thành lưu ý.

Cũng theo TS. Thành, khi thực hiện theo kịch bản này, có thể Chính phủ sẽ phải trì hoãn những cải cách của mình. Có một số vấn đề cần phải hy sinh, thỏa hiệp như muốn cải cách DNNN nhanh nhưng lại sử dụng DNNN như một công cụ để tăng trưởng trong năm 2017.

“Để đạt được mục tiêu tăng trưởng có thể sẽ làm chậm lại tiến trình cổ phần hóa hoặc tái cơ cấu nền kinh tế nhà nước. Nhưng về lâu dài cũng không thể dựa nhiều vào khu vực kinh tế nhà nước vì sẽ trở lại giai đoạn trước đây, không phải là chính phủ kiến tạo mà là đi ngược lại quá trình kiến tạo”, TS. Nguyễn Đức Thành nêu rõ.

Do đó, theo TS. Thành giữa hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2017, Việt Nam nên đi theo hướng của kịch bản thứ nhất, nghĩa là kịch bản của Chính phủ đúng với tính chất kiến tạo của mình.

“Trong cuộc chơi tăng trưởng, Chính phủ sẽ không còn là người chơi mà lùi ra khỏi cuộc chơi. Chính phủ sẽ là người tạo ra và trông coi luật chơi đó có được thực thi hay không, xem người chơi có chơi đúng luật hay không. Nếu làm được điều đó, người chơi sẽ sáng tạo, say sưa nhất với chính năng lượng của họ để tạo ra sản phẩm cho xã hội”, TS. Nguyễn Đức Thành cho biết.

TS. Nguyễn Đức Thành cũng cho rằng, có thể lần đầu người chơi chưa đủ mức say sưa nên kinh tế chỉ tăng trưởng thấp, nhưng khi người chơi thực sự tin tưởng vào trò chơi sẽ có sự năng động, sáng tạo và sự tăng trưởng sẽ đến với sự bền vững hơn rất nhiều.

“Nên thay thế việc bắt người chơi cho ra được sản phẩm, đạt mức độ và kế hoạch cụ thể đặt ra. Luật chơi như vậy những năm sau người chơi sẽ không muốn tham gia. Nói điều này để thấy vai trò của người tạo ra luật chơi, bảo vệ luật chơi sẽ khác hoàn toàn, tách bạch so với người chơi. Đây cũng chính là tính chất thực của một Chính phủ kiến tạo”, TS. Thành nhận định./.