Sáng 16/6, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) trong bối cảnh nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn.

thao_luan_no_cong_zgbw.jpg
Nghị trường "nóng" với vấn đề quản lý nợ công

Phải mạnh tay với doanh nghiệp thua lỗ, "đắp chiếu"

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) bày tỏ quan ngại khi nợ công liên tục phình to trong những năm gần đây trong khi hiệu quả đầu tư công chưa cao, giải ngân chậm, tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch đề ra.

Năm 2010 nợ công chiếm 50% GDP nay đã lên tới 63,7% GDP. Nhu cầu đầu tư công lớn làm tăng tổng cầu vốn khiến Chính phủ phải vay vốn, làm tăng lãi suất tín dụng, đại biểu Trần Hoàng Ngân lo lắng.

Ông Ngân cho biết thêm, cuối năm 2015, tỷ lệ nợ công là 62,8% GDP, khi đó quốc hội đã thông qua Nghị quyết 25 thống nhất trần nợ công là 65% GDP. Như vậy, dư địa cho nợ công chạm trần là rất ít, chỉ khoảng 2,5% GDP.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư công cho cơ cở hạ tầng còn rất lớn, áp lực lên nợ công cao. Theo ông Ngân, cần phải kiểm soát rủi rõ, hạn chế bội chi ngân sách để đảm bảo an toàn nợ công.

"Đầu tư công hiệu quả thấp, thời gian thi công kéo dài, tăng trưởng không đạt kế hoạch... Vì thế, nợ công cần phải được cập nhât liên tục, đầu tư phải có trọng điểm, hiệu quả, có tính lan tỏa...", đại biểu TP HCM nhấn mạnh.

Theo đải biểu này, nợ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nếu như Chính phủ bảo lãnh thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm về khoản nợ đó. Bên cạnh đó, phải tăng cường giám sát DNNN, đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp.

Phải cho giải thể nhanh các DNNN yếu kém, thua lỗ, đắp chiếu..., chứ không phải tập trung vào cổ phần hóa các doanh nghiệp đang làm ăn có lãi như hiện nay, ông Ngân nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) nêu quan điểm: DNNN tự vay trả nhưng vẫn nhận hỗ trợ "mềm" của Chính phủ như khoanh, giãn nợ… nên vừa qua không có DNNN nào phá sản do vẫn được Nhà nước hỗ trợ.

Những khoản hỗ trợ này đều tăng chi ngân sách, ảnh hưởng nợ công. Ví dụ như nợ Vinashin cuối cùng Chính phủ vẫn phải bỏ tiền bù, chuyển một phần nợ sang Vinalines, ông Bảo nêu rõ.

Kiểm soát toàn diện rủi ro

Phát biểu giải trình trước Quốc hội, đại diện cơ quan soạn thảo dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũngnhấn mạnh tới nhu cầu tái cơ cấu ngân sách Nhà nước và quản lý nợ công, hoàn thiện thể chế, kiểm soát toàn diện rủi ro và đảm bảo an toàn nợ công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Lý giải nguyên nhân nợ công tăng cao, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, giải ngân cao hơn dự toán nên bội chi tăng cao. Bội chi của giai đoạn 2011-2015 dự tính là 5%. Tuy nhiên, thực tế giải ngân cao cùng với phát hành trái phiếu Chính phủ lên đến 5,8%, đương nhiên đã dẫn đến nợ công tăng cao.

Đến cuối năm 2016, ước tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải sửa đổi Luật Quản lý nợ công để tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đảm bảo an toàn nợ công, đồng thời đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Công tác quản lý nợ công thời gian qua cũng đã bộc lộ một số bất cập như nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập; phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao.

Ngoài ra, quá trình thực hiện đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh dẫn đến không trả được nợ, Chính phủ phải trả nợ thay, thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ.

Quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ (trong đó vay ODA, vay ưu đãi chiếm trên 94%) đến cuối năm 2015 so với cuối năm 2001 đã tăng 6,5 lần. Trong đó, vay nợ Ngân hàng Thế giới (WB) tăng 11,5 lần (274,2 nghìn tỷ đồng/23,9 nghìn tỷ đồng); Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tăng 20,3 lần (151,1 nghìn tỷ đồng/7,5 nghìn tỷ đồng); Nhật Bản tăng 6,8 lần (243,9 nghìn tỷ đồng/35,9 nghìn tỷ đồng)./.