Hội thảo công bố báo cáo “Điều kiện kinh doanh 2017” cho biết, hiện cả nước có 234 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đây là ngành nghề “cha, mẹ”; mỗi ngành nghề lại có ngành nghề con với các điều kiện kinh doanh kèm theo.

hoi_thao_nnik.jpg
Hội thảo công bố báo cáo “Điều kiện kinh doanh 2017”

Ngành nghề mẹ ví dụ như ngành kinh doanh vận tải, nhưng ngành nghề con gồm vận tải taxi, hàng hóa, xe buýt… Tổng số ngành nghề con lên tới 600 ngành nghề. Trong đó, ngành công thương, Y tế, nông lâm nghiệp, thủy sản, vận tải kho bãi, phát thanh truyền hình và giáo dục đào tạo có nhiều điều kiện kinh doanh con nhất. Cả nước có khoảng 300 văn bản quy pháp luật liên quan đến các ngành nghề có điều kiện.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, từ năm 2000 – 2003, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã tích cực rà soát, đánh giá các giấy phép kinh doanh và quyết định bãi bỏ 160 giấy phép kinh doanh các loại không còn cần thiết, không hợp lý.

Tuy nhiên, cải cách này không được duy trì, theo đó, từ năm 2003 đến trước khi ban hành Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp năm 2014, không có thêm cải cách nào được thực hiện thành công với điều kiện kinh doanh. Và trong năm 2015, cải cách này mới chỉ thực hiện ở nội dung hạn chế, vẫn còn tình trạng tùy tiện ban hành điều kiện kinh doanh bởi các Bộ, ngành, địa phương.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, sự phức tạp không cần thiết của các điều kiện kinh doanh đang làm cho nền kinh tế phải chịu thiệt hại. Hiện chúng ta đang can thiệp quá mức vào các hoạt động kinh tế. Như vậy sẽ triệt tiêu động lực, triệt tiêu đầu tư, sự sáng tạo và quan trọng nhất là triệt tiêu phân bổ nguồn lực theo thị trường.

 Cải cách về điều kiện kinh doanh có nghĩa là chúng ta dỡ bỏ những sự can thiệp của nhà nước không cần thiết vào hoạt động kinh tế và những can thiệp đó cản trở hoạt động kinh doanh. Cải cách về giấy phép có nghĩa là phải thay đổi cách thức, phương thức quản lý, thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng không phải bằng mọi giá mà quan trọng là quản lý đạt được 1 số mục tiêu nhất định nhưng không cản trở đến hoạt động kinh doanh, ông Hiếu phân tích.

Các chuyên gia kinh tế đề xuất, cần thành lập một cơ quan độc lập để cắt bỏ phải cắt xén mạnh mẽ các quy định tạo ra rủi ro, gia tăng chi phí, hạn chế cạnh tranh tác động không cân xứng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, không chỉ giới hạn quy định về điều kiện kinh doanh mà tất cả quy định pháp luật…. /.