Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. |
Thông tin trên vừa được nguồn tin thân cận tiết lộ với Reuters. Hãng tin này nói rằng, giá dầu thấp và các biện pháp quản lý kinh tế sai lầm đã khiến dự trữ ngoại hối bằng tiền của Venezuela suy kiệt.
Năm nay, quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) này phải thanh toán 9,5 tỷ USD tiền nợ cả gốc lẫn lãi. Nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại khả năng Venezuela sẽ vỡ nợ trái phiếu trong năm 2016.
Hiện nay, các hợp đồng hoán đổi khả năng vỡ nợ tín dụng (credit default swaps - CDS) cho thấy khả năng vỡ nợ của Venezuela là 78%.
Trong 15,4 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Venezuela hiện nay, vàng thỏi chiếm khoảng 64%. Vì lý do này, khả năng huy động nhanh ngoại tệ mạnh để phục vụ cho hoạt động nhập khẩu và trả nợ của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro bị hạn chế.
Theo nguồn tin, tháng 12 vừa qua, Deutsche và Ngân hàng Trung ương Venezuela đã nhất trí sẽ hoàn tất một thỏa thuận hoán đổi vàng trong năm nay. Tuy nhiên, nguồn tin không đưa ra con số cụ thể về số lượng vàng có thể hoán đổi. Cả Deutsche và Ngân hàng Trung ương Venezuela đều từ chối bình luận về vấn đề này.
Thỏa thuận hoán đổi vàng cho phép các ngân hàng trung ương nhận tiền mặt từ các tổ chức tài chính, đổi lại họ phải cho tổ chức tài chính mượn vàng trong một khoảng thời gian cụ thể. Các thỏa thuận như vậy không có ảnh hưởng đến giá vàng, bởi vàng vẫn thuộc sở hữu của ngân hàng trung ương cho mượn và không được đưa ra thị trường.
Nền kinh tế Venezuela, nước sở hữu trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới, hiện đang vật lộn với suy thoái sâu, lạm phát 3 con số, và tình trạng thiếu thốn kinh niên các sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống của người dân.
Nguồn tin cũng nói rằng, trong những năm gần đây, Venezuela đã thực hiện các thỏa thuận hoán đổi vàng với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) có trụ sở ở Thụy Sỹ và ngân hàng Citigroup của Mỹ. Hiện chưa rõ Venezuela có phải bán vàng để huy động tiền mặt hay không.
Dưới thời cố Tổng thống Hugo Chavez, Ngân hàng Trung ương Venezuela đã dùng hàng tỷ USD dự trữ tiền mặt để rót cho các chương trình phúc lợi xã hội. Điều này khiến vàng chiếm một tỷ trọng ngày càng lớn trong dự trữ ngoại hối.
Một nguồn tin nói Ngân hàng Trung ương Venezuela đã phải di chuyển một khối lượng vàng không rõ là bao nhiêu ra nước ngoài để kiểm chứng chất lượng cho việc hoán đổi. Vào năm 2011, vàng dự trữ của Venezuela đã bị mất chứng chỉ chất lượng sau khi Tổng thống Chavez cho chuyển số vàng này từ các ngân hàng nước ngoài về kho của Ngân hàng Trung ương Venezuela./.