Theo dự báo của Sở Công thương Hà Nội, trước trong và sau Tết, nhu cầu tiêu dùng đối với nhóm hàng phục vụ Tết ở Hà Nội sẽ tăng từ 20-25% so với các tháng bình thường trong năm. Ngay từ trước Tết, các doanh nghiệp đã phải xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng Tết. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, trong khi đó càng đến thời điểm cận Tết, hàng hóa càng có nguy cơ bị tăng giá đột biến, thì các doanh nghiệp nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung không chỉ lo chuẩn bị lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường, mà còn phải tìm cách để giữ giá cả ổn định và chất lượng, chống đầu cơ găm hàng.

hang-tet.jpg

Ngay từ tháng 9 năm ngoái, hệ thống siêu thị Big C đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, dự kiến sẽ tăng khoảng 15%, so với năm ngoái, với hơn 250 tấn mứt, kẹo, khoảng 600 tấn thịt nguội, 1.000 tấn rau, củ quả. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C, do kinh tế khó khăn, người dân tiết giảm chi tiêu, dẫn đến sức mua suy giảm. Do đó, để đảm bảo tăng trưởng, doanh nghiệp không chỉ phải đảm bảo đủ hàng mà còn phải có giải pháp tăng sức mua: Hiện hơn 80% hàng hóa được phân phối ở Big C được các nhà cung cấp cam kết về số lượng, chất lượng và giá bình ổn. Nhu cầu suy giảm có thể ảnh hưởng cơ cấu hàng hóa. Có thể người dân hạn chế mua sắm hàng xa xỉ. Còn hàng may mặc, gia dụng, thực phẩm tươi sống đồ uống, thực phẩm khô…Big chuẩn bị lượng hàng lớn thì vẫn bán tốt. Các nhà cung cấp, phân phối phải quan tâm chất lượng, mẫu mã, giá cả. Nhiều chương trình khuyến mại được đưa ra, tránh tình trạng cục bộ vào cận Tết…

Càng cận Tết, hàng hóa càng có nguy cơ bị găm hàng, tăng giá đột biến. Do vậy, các doanh nghiệp không chỉ đảm bảo đủ nguồn hàng mà còn phải giữ giá cả ổn định. Tại Hà Nội đã có 15 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá và được thành phố cho tạm ứng 370 tỷ đồng với lãi suất 0% từ tháng 7/2012 đến hết tháng 4/2013. Các doanh nghiệp còn chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số lượng hàng hóa thiết yếu giao dự trữ, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu thị trường trong 1 tháng phục vụ nhu cầu sắm Tết của người dân. Các doanh nghiệp tham gia chương trình này tập trung bán hàng tại 710 điểm cố định và khoảng 1.500 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng trên địa bàn; Đồng thời, sẽ tổ chức hơn 200 chuyến bán hàng lưu động, nhăm góp phần kiềm chế tăng giá trong dịp Tết. Thời điểm hiện nay, giá hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết như thịt lợn, thịt gà, rau củ…bắt đầu tăng, nhưng các doanh nghiệp bình ổn giá vẫn bán đúng giá đã cam kết. Ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Hapro cho biết: Hapro được giao dự trữ bình ổn giá 10 mặt hàng. Tết này hy vọng ko xảy ra sốt hàng tăng giá. Nếu có xảy ra tăng giá một vài mặt hàng, chúng tôi cùng doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá để kiềm chế giá cả. Tại các điểm bán hàng bình ổn giá đều đăng ký với liên ngành thành phố, treo biển nhận diện, niêm yết công khai giá bán bình ổn. Một mặt là sự cố gắng của doanh nghiệp, mặt khác cần tuyên truyền để người dân biết đến mua hàng đảm bảo chất lượng và giá cả.

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Thành phố Hà Nội chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ lượng hàng hóa tổng trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 20-25% nhu cầu tiêu dùng tăng thêm trong những tháng Tết. Các mặt hàng thiết yếu như gạo; thịt gia súc, gia cầm đều được các đơn vị thu mua, khai thác ở các địa phương, đem về dự trữ và tổ chức tốt mạng lưới bán ra. Đến nay, hầu hết các mặt hàng thiết yếu, có khả năng tăng cao trong dịp Tết đã được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng. Cơ bản có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết nguyên đán. Tuy nhiên, để tránh tình trạng  thiếu hàng, sốt giá vào dịp Tết, thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với các doanh nghiệp cũng như các địa phương lân cận chủ động về nguồn hàng cung ứng và dự trữ hàng hóa. Đồng thời quyết liệt kiểm soát thị trường, giá cả.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Gần trước, trong và sau Tết, cần nắm chắc tình hình chung về cung cầu  hàng hóa. Sở Công thương cần thường xuyên giúp thành phố nắm bắt tình hình hàng hóa. Thành phố có thể phối hợp với các  tỉnh, với Bộ Công thương. Thậm chí thành phố có thể điều phối hàng hóa. Chúng ta đã liên kết 17 tỉnh xung quanh Hà Nội. Nhiều hợp tác xã ở Hà Nội cũng đã cung ứng hàng hóa sản phẩm dịch vụ. Cố gắng không để cháy hàng sốt giá.

Từ nay đến Tết, thành phố Hà Nội cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo hàng hóa có nhãn, mác, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các hộ kinh doanh ở các chợ truyền thống, ở các tuyến phố, đường phố. Đồng thời sẽ tăng cường lực lượng ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định thị trường, góp phần chăm lo cho người dân đón Tết an toàn./.