Đáng chú ý là, VAMC sẽ bắt tay mua, bán nợ thực, chứ không chỉ là nơi gom giữ nợ xấu như những lo ngại trước đây.VAMC không chỉ gom, giữ nợTheo Dự thảo Nghị định thành lập và quản lý VAMC được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra cách đây 1 tháng, mô hình VAMC ở Việt Nam có nhiều điểm sáng tạo so với các nước.Trong đó, VAMC sẽ không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, mà sẽ phát hành trái phiếu để mua nợ. VAMC sẽ mua lại nợ xấu bằng 100% giá trị sổ sách (trừ đi phần đã trích lập dự phòng rủi ro).Trái phiếu của VAMC phát hành chỉ có giá trị trong 5 năm, trong 5 năm đó, mỗi năm ngân hàng bán nợ phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu.TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, giải pháp này khiến nợ xấu chưa được xử lý triệt để (bản chất của xử lý nợ xấu là phải mua và bán thật).Nhiều bộ, ngành cũng băn khoăn cho rằng, cơ chế mua, bán nợ và đối tượng mua nợ của VAMC chưa rõ ràng. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, VAMC chỉ là nơi gom giữ nợ, giãn nợ cho ngân hàng trong 5 năm, chứ chưa xử lý được nợ xấu.Tuy vậy, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, thực chất, Dự thảo Nghị định đã quy định rõ, VAMC được phép thực hiện rất nhiều hoạt động: thu hồi nợ, đòi nợ, xử lý tài sản đảm bảo, điều chỉnh cơ cấu các khoản vay, chuyển nợ thành cổ phần… Tóm lại, theo cơ chế, VAMC hoàn toàn có thể tham gia mua, bán nợ thực, chứ không chỉ là nơi gom nợ, giữ nợ. Dĩ nhiên, hiệu quả đến đâu, còn phụ thuộc nhiều yếu tố.Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng khẳng định, VAMC thành lập không chỉ để chuyển nợ xấu của hệ thống ngân hàng sang VAMC, mà còn để mua, bán nợ thực. Đây mới là yếu tố quyết định thành công của xử lý nợ xấu.Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, có rất nhiều hình thức để VAMC bán nợ, như chứng khoán hóa khoản nợ, biến nợ thành cổ phần của doanh nghiệp, đấu thầu công khai khoản nợ, phát mại tài sản thế chấp… Dĩ nhiên, để bán nợ thành công, cùng với việc thành lập VAMC, Chính phủ cần có những giải pháp đồng bộ để thị trường mua bán nợ Việt Nam phát triển.Cho nước ngoài mua nợ?Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nhà đầu tư nước ngoài là đối tượng mua nợ xấu tiềm năng lớn nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay. Vì vậy, cần phải tháo gỡ về mặt cơ chế pháp lý để nhà đầu tư nước ngoài có thể mua nợ, đặc biệt là nợ bất động sản và quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài.Tuy nhiên, vấn đề này cũng gây nhiều quan điểm trái chiều. PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, việc việc tham gia của yếu tố nước ngoài vào quá trình mua bán nợ xấu Việt Nam cần thận trọng, đặc biệt là vào thời điểm giá tài sản đảm bảo đang xuống thấp.“Có thể không cho phép nước ngoài tham gia để hạn chế đến mức cao nhất việc thất thoát tài sản quốc gia và cá nhân, tổ chức. Khi cơ chế thử nghiệm VAMC đã thuần thục, Chính phủ mới nên cho phép nước ngoài mua bán nợ, thành lập các VAMC để mua nợ”, ông Lạng nhấn mạnh.Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, việc bán nợ để giải quyết nợ xấu là cần thiết. Tuy nhiên, VAMC không nên bán tống, bán tháo nợ xấu bằng mọi giá, mà cần phân loại nợ và có phương án giải quyết nợ xấu với từng loại theo một lộ trình thích hợp (3 - 5 năm). Việc bán tháo nợ xấu không chỉ khiến ngân hàng thiệt hại lớn, mà còn có thể khiến thị trường bất động sản sụp đổ.Theo nguồn tin, cùng với thành lập VAMC, NHNN sẽ đưa một số lãnh đạo cốt cán, có kinh nghiệm và năng lực xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại về tham gia điều hành VAMC./.
VAMC sẽ mua, bán nợ thực
Theo Báo Đầu tư