Dù vậy, lãnh đạo VAMC khẳng định, mua nợ về không phải để bán.
Nợ mua không phải để bán
Nợ xấu đang tăng mạnh trở lại từ đầu năm đến nay. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu ở mức 4,17%, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013.
Trong khi nợ xấu tăng nhanh thì VAMC - vốn được coi là lực lượng chủ lực trong xử lý nợ xấu, lại đang mua nợ lẫn bán nợ rất chậm chạp.
Việc mua nợ chậm của VAMC có thể không đáng lo, bởi số lượng nợ xấu mà các ngân hàng đăng ký bán cho VAMC đã vượt quá chỉ tiêu của cả năm. Vấn đề đáng lo là việc xử lý nợ, bán nợ diễn ra khá chậm.
Số nợ xấu mà VAMC bán ra đến nay mới đạt khoảng trên dưới 1.500 tỷ đồng, rất nhỏ so với số nợ xấu VAMC mua vào và càng không thấm vào đâu so với tổng nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng. Dù từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã xử lý 33.000 tỷ đồng nợ xấu, song số nợ xấu này chủ yếu được xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng chứ không phải thông qua VAMC.
Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM thừa nhận, 7 tháng đầu năm, các ngân hàng trên địa bàn đã xử lý 8.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, số nợ xấu bán cho VAMC chỉ vỏn vẹn 1.000 tỷ đồng, phần còn lại các ngân hàng phải tự xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro và các giải pháp khác.
Trước ý kiến cho rằng, VAMC chỉ mua nợ để đấy, còn khâu xử lý nợ, bán nợ lại quá chậm, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, VAMC không phải mua nợ xấu về bán mà mua về để rà soát, đánh giá và xem xét các khoản nợ, các khách hàng. Theo đó, những doanh nghiệp có khả năng sản xuất kinh doanh, có thể phục hồi được thì sẽ được xem xét điều chỉnh lãi suất, được tiếp tục vay vốn. Thời gian qua, đã có những doanh nghiệp được VAMC và tổ chức tín dụng hỗ trợ vay vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh, trả nợ cũ và nợ mới.
Cũng theo ông Hùng, với những khoản nợ khó có khả năng thu hồi, VAMC phối hợp với các tổ chức tín dụng phát mãi tài sản để thu hồi nợ, tránh thiệt hại nặng thêm. Tuy nhiên, việc bán nợ cũng không hề dễ dàng. Có những khoản nợ, các đơn vị này bán đấu giá tài sản lần thứ ba vẫn chưa thành công. Có ngân hàng tổ chức phát mãi tài sản lần thứ 5, thứ 7 vẫn thất bại, dù ngân hàng đã chấp nhận bán với mức giá thị trường.
Sợ bán nợ?
Việc không “mặn mà” bán nợ của VAMC được một thành viên của Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia lý giải, hiện hầu hết các khoản nợ xấu mà VAMC mua về là nợ xấu của các doanh nghiệp. VAMC mong muốn bán nợ của các doanh nghiệp này với điều kiện các nhà đầu tư mua nợ sẽ xây dựng phương án tái cơ cấu, giúp phục hồi hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề mua nợ của Viêt Nam hiện nay đều là nhà môi giới, muốn mua nợ giá “bèo” để sau đó bán lại kiếm lời hơn là đầu tư tài chính vào doanh nghiệp.
Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài chỉ trả giá nợ xấu khoảng 30% giá trị tài sản. Mức giá này được các doanh nghiệp và ngân hàng trong nước coi là quá “bèo”.
Cho đến thời điểm này, lãnh đạo NHNN vẫn khẳng định, VAMC là mô hình phù hợp với hoàn cảnh đặc thù ở Việt Nam. Tuy nhiên, các mục tiêu đặt ra quá lớn trong khi kinh phí xử lý nợ xấu không có, khiến VAMC chuyển động rất chậm. Nhiều chuyên gia cho rằng, VAMC đang “mua thời gian” hơn là mua nợ.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định, tại nhiều nước trên thế giới, chi phí xử lý nợ xấu rất cao (chiếm tới 15 - 20% GDP) trong khi Việt Nam phải xử lý trong điều kiện hạn chế của ngân sách và cơ chế về luật pháp còn nhiều điểm bất cập, đăc biệt là xử lý tài sản đảm bảo nên tốc độ xử lý chậm là khó tránh.
Về phần VAMC, ông Hùng cũng tin tưởng, một khi nền kinh tế phục hồi, doanh nghiệp khởi sắc thì việc xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh hơn./.