Thương vụ Việt Nam tại EU và Bỉ dẫn thông báo của người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC), ông John Clancy, cho biết, Hiệp hội các nhà sản xuất giày Châu Âu đã tuyên bố công khai, không yêu cầu kéo dài thuế đối với một số loại giày của Trung Quốc và Việt Nam. Vì thế, các biện pháp hiện hành sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/4.

Tuyên bố của ông John Clancy được các phương tiện thông tin đại chúng châu Âu coi là xác nhận chính thức của EU về thuế chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam và Trung Quốc.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) hôm nay (28/1) cũng dẫn thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc và Hiệp hội giày da Trung Quốc, cho biết, trong tháng 4 tới, EU sẽ dỡ bỏ trưng thu 16,5% thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày da Trung Quốc và Việt Nam.

Theo nguồn tin này, Hội Liên hiệp ngành giày EU (CEC) gần đây công bố thông tin mới liên quan đến trường hợp xem xét lại vấn đề giày da. Thông báo cho biết: Liên hiệp ngành giày EU cùng Ủy ban Châu Âu đã nhiều lần đàm phán và đã quyết định hủy bỏ việc tìm kiếm các biện pháp đang áp dụng đối với các mặt hàng giày da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam đồng thời sẽ kết thúc việc xem xét biện pháp chống bán phá giá có hiệu lực đến ngày 31/3/2011. Điều này cho thấy Hội Liên hiệp ngành giày EU dự định hủy bỏ yêu cầu xem xét lại được trình lên vào cuối tháng 12/2010.

Theo phản ánh của một số kênh tin tức của nước ngoài, thông tin trên đã được người tiêu dùng và các nhà bán lẻ của EU hoan nghênh.

Tuy nhiên, EC sẽ kiểm tra tất cả các sản phẩm nhập khẩu giày da, để đảm bảo không xảy ra hành vi bán phá giá hay không công bằng, từ đó tránh gây ra tổn thất lần nữa đối với ngành sản xuất EU. Hội Liên hiệp giày da EU cũng đang tìm kiếm sách lược toàn diện có thể bao gồm bán phá giá, hành vi thương mại bất công bằng và tiếp cận thị trường và quyền sở hữu trí tuệ.

Tháng 10/2006, EC đã quyết định áp thuế chống bán phá giá 10% đối với giày mũ da nhập từ Việt Nam trong 2 năm. Sau đó, việc áp thuế được gia hạn thêm 15 tháng kể từ ngày 31/12/2009 với mức thuế chống bán phá giá 10%.

Theo thống kê của Bộ Công thương, giày mũ da chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số các mặt hàng khác vào EU, nhưng đã ảnh hưởng lan rộng, khiến tỷ trọng xuất khẩu vào EU giảm chỉ còn 47% tổng kim ngạch xuất khẩu. Vụ kiện bán phá giá giày mũ gia của EC đối với ngành da giày Việt Nam đã gây tác động xấu, khiến trên 50% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng phải thu hẹp sản xuất, đóng cửa một xí nghiệp thành viên, đóng cửa một phân xưởng, tạm ngừng từ 1 đến 2 chuyền sản xuất. Một số doanh nghiệp đã buộc phải chuyển sang sản xuất các mặt hàng giá trị thấp hoặc nhận gia công lại cho các doanh nghiệp khác trong nước để có thể phần nào duy trì sản xuất ở mức độ tối thiểu./.