Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đã đặt ra nhiều vấn đề như: nên hay không nên tiếp tục trồng cao su ở Bắc Trung bộ - nơi được xem là “rốn bão” trong khi cây cao su có đặc tính thân giòn sẽ hoàn toàn đổ rạp. Nếu không trồng cao su, cây trồng nào sẽ thay thế để phù hợp hơn, và mang lại giá trị kinh tế tương đương.

toadamcaosu.jpg
Tọa đàm diễn ra tại Hà Nội

Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 2 Quyết định về quy hoạch định hướng cho cây cao su, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chủ trì quy hoạch định hướng trồng cây cao su ở Bắc Trung bộ.

Tuy nhiên, trên thực tế số diện tích trồng cao su ở khu vực này không những vượt con số 80.000 ha mà còn tiếp tục được mở rộng hơn bởi các hộ sao su tiểu điền trồng cao su tự phát….

GS, TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, cho biết: “Đến năm 2009 mới có Quyết định số 750 của Thủ tướng về phê quyệt quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2012, diện tích cao su cả nước đã vượt cả kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, Chính phủ giao là sẽ làm 800.000 ha trên toàn quốc nhưng đến năm 2012 đã làm phát triển và mở rộng diện tích lên 915.000 ha. Có nghĩa là làm kinh tế theo phong trào, không đảm bảo phát triển bền vững”.

Cao su cây công nghiệp mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho nông dân, từng được ví như “vàng trắng” đối với các tỉnh Bắc bộ và Trung Trung bộ. Vậy nhưng chỉ trong  2 cơn bão số 10 và 11 vừa qua đã có 215.000 ha cao su bị tàn phá, trong đó 13.000 ha diện tích cây cao su bị mất trắng ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Đại diện Cục Trồng trọt cho biết, đang tiến hành rà soát thống kê các diện tích thiệt hại đề xuất Chính phủ hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho người trồng cao su. Trước mắt sẽ chỉ đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật, giống để trồng mới những diện tích đã thiệt hại. Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam cũng cho biết, để hỗ trợ thiệt hại các hộ cao su tiểu điền, ngân hàng đã và đang rà soát, khoanh và giãn nợ tháo gỡ khó khăn cho người trồng cao su./.