Tổng cục Hải quan cho biết, hệ thống một cửa đường hàng không (cơ chế một cửa) được vận hành thí điểm tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài từ ngày 01/01/2017. 

Qua thí điểm cho thấy, hệ thống được triển khai thuận lợi, ổn định. Đây là tiền đề để cơ quan hải quan triển khai tại tất cả các cảng hàng không quốc tế trên cả nước vào ngày 15/11/2017 đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

5 cơ quan cùng tiếp nhận, khai thác một cửa đường hàng không

Các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không gồm: Hải quan cửa khẩu, cảng vụ hàng không, công an cửa khẩu, cơ quan kiểm dịch động vật, cơ quan kiểm dịch thực vật, tổ chức kiểm dịch y tế biên giới.

hai_quan_mot_cua_igro.jpg
Ảnh minh họa: KT 

Cơ chế một cửa đường hàng không là việc cho phép người làm thủ tục gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Các cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thông quan qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. 

Nói một cách đơn giản, Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không là việc tiếp nhận thông tin về lịch khai thác bay, danh sách tổ bay, hành khách, hành lý, hàng hóa để thực hiện thủ tục điện tử đối với tàu bay nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia đường hàng không.

Thông tin gửi tới Cổng thông tin một cửa quốc gia được 5 cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không tiếp nhận, khai thác chung. Người làm thủ tục chỉ cần gửi thông tin điện tử cho cơ quan nhà nước một lần duy nhất tại địa chỉ: https://www.vnsw.gov.vn.

Những điểm mới cơ bản từ cơ chế một cửa

Khi triển khai cơ chế một cửa này, điểm mới đầu tiên và quan trọng nhất là các hãng hàng không cung cấp thông tin bằng phương thức điện tử cho cơ quan Chính phủ trong việc quản lý phương tiện vận tải hàng không.

Hiện nay các văn bản quy định quản lý phương tiện vận tải hàng không tại sân bay quốc tế đã có nhưng được quy định riêng rẽ bởi các cơ quan khác nhau, thiếu đồng bộ. Ví như trong lĩnh vực Hải quan đã có Nghị định yêu cầu, thông tư hướng dẫn các hãng hàng không cung cấp thông tin về hành khách, hàng hóa và hành lý, về chuyến bay.

Cơ quan an ninh cửa khẩu và quản lý xuất nhập cảnh thì yêu cầu cung cấp trước thông tin hành khách. Cơ quan cảng vụ hàng không cũng yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ quản lý chung… Tất cả các thông tin này (trừ thông tin về hành khách) đều cung cấp bằng bản giấy. Do vậy, việc chia sẻ và sử dụng thông tin là rất hạn chế.

Khi triển khai Cơ chế một cửa, toàn bộ các thông tin liên quan sẽ được khai báo bằng phương thức điện tử và được liên kết với tất cả hệ thống quản lý của các cơ quan nhà nước tại cảng hàng không.

Điểm mới thứ hai làlần đầu tiên cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không của Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin đặt chỗ hành khách nhằm đảm bảo an ninh hàng không, an ninh quốc gia và ngăn chặn khủng bố, buôn lậu ma túy qua đường không.

 Khi thông tin được gửi đến một cơ quan quản lý nhà nước thì ngay lập tức được tự động chia sẻ cho tất cả cơ quan liên quan, kết nối tất cả các khâu – đây là điểm mới thứ ba.

Bên cạnh đó, về phía cơ quan Hải quan còn thực hiện cung cấp thông tin giữa các cơ quan quản lý kho, bãi hàng không phục vụ cho công tác giám sát hải quan. Khi các cơ quan liên quan được chia sẻ những thông tin này sớm thì sẽ rút ngắn thời gian thông quan và hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp logistic, doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Những lợi ích từ cơ chế một cửa

Đầu tiên, phải nói tới lợi ích với người làm thủ tục. Những người này không phải nộp nhiều bộ chứng từ giấy tới các cơ quan quản lý nhà nước mà chỉ phải gửi thông tin điện tử một lần duy nhất tới Cổng thông tin một cửa quốc gia. Qua đó rút ngắn thời gian làm thủ tục, tiết kiệm các chi phí liên quan.

Bên cạnh đó, người lảm thủ tục được tiếp cận thông tin minh bạch, giảm tiếp xúc trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước.

Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước, theo đại diện TCHQ, khi triển khai cơ chế một cửa, các cơ quan quản lý có thông tin trước về chuyến bay để phân tích và kiểm tra, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không, giảm thời gian và nhân lực liên quan đến việc tiếp nhận các hồ sơ giấy thủ công.

Đặc biệt, qua việc tiếp nhận thông tin trước chuyến bay, cơ quan quản lý nhà nước áp dụng quản lý rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, ngăn chặn buôn lậu, khủng bố.

Vẫn theo đại diện TCHQ, việc trang bị cũng như quản lý, vận hành hệ thống CNTT giúp hiện đại hóa cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao năng lực cán bộ công chức.

Ngoài ra, việc trao đổi thông tin, phối hợp quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không góp phần triển khai Chính phủ điện tử tại VN.

Thông qua triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không, Chính phủ VN thể hiện nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời là nền tảng để triển khai Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết.

Túc trực hệ thống 24/7 hỗ trợ doanh nghiệp

Đại diện TCHQ cho biết: Bên cạnh việc phối hợp với các hãng hàng không đánh giá thực trạng, nhu cầu để xây dựng hệ thống trao đổi thông tin, kết nối với hệ thống một cửa quốc gia, TCHQ thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn cho cả cán bộ hải quan, các hãng hàng không, đại lý hàng không và người khai HQ về lĩnh vực này.

Đồng thời, bộ phận hỗ trợ (help-desk) của TCQH túc trực hệ thống 24/7 và các đường dây nóng để hỗ trợ nhanh nhất cho doanh nghiệp.

TCHQ cũng đang dự thảo một loạt quy trình xử lý của cơ quan HQ, kết nối với các cơ quan để đưa ra các biện pháp ứng phó, xử lý sự cố, nếu có./.