Đến nay, đã có thể khẳng định BOT giao thông là chủ trương đúng để phát triển hạ tầng giao thông từ nguồn lực xã hội hóa thay vì chỉ trông vào ngân sách nhà nước.
Giai đoạn 2010-2015, ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông chỉ đáp ứng được 28-30% nhu cầu nhưng hạ tầng giao thông vẫn có nhiều thay đổi là nhờ phương thức đầu tư BOT.
Một chủ trương đúng nhưng khi triển khai lại bị dân kêu. Dân kêu vì “ra ngõ đụng trạm thu phí”. Dân kêu vì một số nơi trạm thu phí quá dày, đặt trạm ở đường này để thu cho đường khác chỉ vì nhằm đảm bảo phương án tài chính cho dự án BOT.
Những bất cập trên khiến người dân bức xúc, giới vận tải đường bộ kêu phí đường bộ gây áp lực nặng nề lên giá cước...
Bộ GTVT đã thừa nhận một số bất cập từ BOT như chưa lường hết được tác động với đối tượng chịu ảnh hưởng; chưa có đánh giá về khả năng chi trả của người dân, chưa đánh giá lợi ích mang lại và sức chi trả của người dân...
Thế nhưng, những kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán độc lập về BOT giao thông được công bố trong thời gian qua đã chỉ ra những bất hợp lý, sai phạm trong quá trình thực hiện dự án mới lý giải đầy đủ những nguyên nhân vì sao chủ trương BOT giao thông là đúng nhưng dân lại kêu.
Từ đây đặt ra câu hỏi vì sao việc thẩm định, phê duyệt, thực hiện dự án BOT được tiến hành nhiều bước, nhiều bộ ngành tham gia nhưng vẫn có nhầm lẫn đơn giá định mức, hạng mục khối lượng, tổng mức đầu tư ban đầu chênh lệch với giá trị thực tế của dự án... để rồi được tính vào mức phí mà người dân phải chi trả...?
Cần nhắc lại rằng làm BOT giao thông là chủ trương lớn, huy động lượng vốn rất lớn, đụng chạm đến toàn dân, ảnh hưởng đến “sức khỏe” của nền kinh tế.
Nét mới, cũng là đột phá, có tính chất quyết định đến việc triển khai BOT giao thông đó là tăng mức phí giao thông gấp khoảng 3,5 lần so với trước để nhà đầu tư đồng loạt làm BOT giao thông.
Thế nhưng, sự đột phá ấy lại chưa đi kèm với những đánh giá về lợi ích mang lại và sức chi trả của người dân... làm cho một chủ trương hay, đúng nhưng cũng bị dân kêu ca nhiều nhất.
Lẽ ra, khi đã kêu gọi người dân chi trả nhiều hơn thì việc kiểm tra, giám sát phải chặt hơn, phương án thu phí hợp lý hơn, công khai minh bạch thông tin từng dự án cụ thể, lấy ý kiến người dân để đạt sự đồng thuận, tránh xảy ra những vụ người dân chặn đường, chặn trạm thu phí như vừa qua.
Sau những kết luận thanh tra, kiểm toán dự án BOT giao thông, cần phải làm gì để dân bớt kêu?
Theo Bộ GTVT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dân kêu BOT giao thông, nhưng lớn nhất là tổng mức đầu tư cao hơn giá trị thực của dự án do chi phí dự phòng không sử dụng hết vì trượt giá ít hơn dự báo, giảm quy mô dự án, rút ngắn thời gian thi công...
Sau này, giá trị thực của tổng mức đầu tư dự án BOT sẽ căn cứ vào giá trị đầu tư được quyết toán. Trên cơ sở giá trị quyết toán sẽ tính toán giảm mức phí, thời gian thu phí hoàn vốn đúng giá trị thực tế của dự án thay cho mức phí, thời gian thu phí đang ở giai đoạn “tạm tính” như hiện nay.
Đây là cơ hội trả lại “lẽ phải” cho chủ trương BOT giao thông. Do vậy, phải làm chặt chẽ, chi li quá trình này, tính đúng tính đủ cùng một quy trình giám sát thu phí minh bạch để dân trả đúng và hợp lý phí giao thông.
Chậm còn hơn không, chỉ có vậy mới chấm dứt tình trạng chủ trương đúng nhưng dân vẫn kêu./.