Đầu tư dự án BOT cũng là hoạt động kinh doanh và khi kinh doanh thì “có được, có thua”. Vì vậy, nhà đầu tư cũng phải chấp nhận rủi ro.
Trạm thu phí cầu Hạc Trì (Ảnh: Tiến Hiếu/TTXVN) |
Đây là bình luận của ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư các dự án Đối tác công tư (Ban PPP -Bộ Giao thông Vận tải) về câu chuyện giảm lưu lượng xe qua trạm thu phí dự án BOT cầu Hạc Trì khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép xe ô tô chở người (dưới 7 chỗ ngồi trở xuống) được phép qua cầu Việt Trì (cũ). Trao đổi với phóng viên về trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì giảm lưu lượng xe so với phương án tài chính được xây dựng ban đầu, ông Nguyễn Danh Huy đánh giá: Hiện nay, có thể coi việc giảm lưu lượng xe qua cầu Hạc Trì là “rủi ro” cho nhà đầu tư và đương nhiên nhà đầu tư phải gánh chịu.
Cách đây khoảng 1-2 tháng, rất nhiều học giả nói Bộ Giao thông Vận tải chỉ bảo vệ nhà đầu tư không bảo vệ lợi ích của nhân dân, nhưng không phải như vậy. Trưởng Ban PPP thừa nhận: Hợp đồng ký kết giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Giao thông Vận tải) có giá trị pháp lý cao nhất. Các điều khoản trong hợp đồng cần được thực hiện nghiêm chỉnh, nếu không nhà đầu tư sẽ kiện.
Tuy nhiên, trong hợp đồng này không có điều khoản nào cấm lưu thông trên cầu Việt Trì (cũ) và trong hợp đồng chẳng có “câu, từ nào” đề cập đến điều này. Còn việc giảm lưu lượng xe qua trạm thu phí dự án BOT cầu Hạc Trì vì lý do cho phép xe dưới 7 chỗ ngồi chở người được lưu thông qua cầu Việt Trì cũ thì Bộ Giao thông Vận tải sẽ cho phép nhà đầu tư được kéo dài thời gian thu phí. Trước ý kiến nếu cho phép kéo dài thời gian thu phí sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi của phương án tài chính đã được nhà đầu tư ký với ngân hàng, mà điều này không thể tự mình nhà đầu tư có thể quyết định được, ông Nguyễn Danh Huy khẳng định: “Đó là việc của nhà đầu tư và nhà đầu tư vay vốn của ngân hàng nào. Vay ở đâu đó là quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư chứ không phải trách nhiệm của nhà nước. Đây là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau”. “Đầu tư BOT cũng là kinh doanh và kinh doanh thì phải có rủi ro nghĩa là có được có thua. Không phải dự án nào kinh doanh cũng được, đây là chuyện hết sức bình thường. Người kinh doanh giỏi là người phải dự trù hết tất cả rủi ro. Còn về phía ngân hàng cũng vậy, họ là người kinh doanh tiền tệ, do đó ngân hàng cũng phải tính toán cẩn thận để lường hết các rủi ro để làm sao đảm bảo phương án tài chính của mình ký với nhà đầu tư...” Trưởng ban PPP phân tích. Khi được hỏi về nghĩa vụ bảo vệ hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp của Bộ Giao thông Vận tải trong dự án BOT cầu Hạc Trì, ông Nguyễn Danh Huy khẳng định: "Tất cả các đối tượng trên đều bình đẳng, nhà đầu tư cũng đương nhiên được bình đẳng trong bảo vệ quyền và nghĩa vụ". Trong đơn kêu cứu vừa gửi các đơn vị hữu quan, nhà đầu tư đã “dọa” đóng cửa cầu Hạc Trì, hoặc thậm chí để “thoái khoán” do lưu lượng xe quá ít, nhà đầu tư không đủ chi phí hoạt động và trả lãi, gốc cho ngân hàng.
Về nội dung này, ông Nguyễn Danh Huy bày tỏ: “Cầu Việt Trì chưa bao giờ là tài sản thế chấp của nhà đầu tư, vì hạ tầng giao thông là hệ thống thiết yếu. Vì thế, cầu Hạc Trì là tài sản của nhà nước, nhà đầu tư ở đây chỉ được quyền thu phí cầu Hạc Trì trong một thời gian nhất định theo phương án tài chính đã được phê duyệt.
Do đó, nhà đầu tư thế chấp cho ngân hàng ở đây được hiểu là thế chấp “quyền thu phí cầu Hạc Trì. Hệ thống giao thông là một hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, cầu Hạc Trì cũng vậy, vì thế việc phong tỏa hay không phong tỏa phải là cơ quan nhà nước quyết định....
Nhà đầu tư chỉ có quyền sử dụng cầu Hạc Trì để thu phí, nếu nhà đầu tư theo hình thức BOO thì lúc đó nhà đầu tư mới có quyền định đoạt tài sản đó ..." Mặt khác, ông Nguyễn Danh Huy còn bình luận thêm: “Ngân hàng hoạt động theo nguyên tắc của Luật Các tổ chức tín dụng, vì thế việc ngân hàng và nhà đầu tư ký kết thế nào đó là điều bí mật giữa họ. Nếu nhà đầu tư đi vay ngân hàng thì đó là chuyện nội bộ của nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải không có quyền can thiệp”. Có ý kiến cho rằng, nếu làm như quyết định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là Bộ Giao thông Vận tải đã “bỏ rơi” nhà đầu tư, ông Nguyễn Danh Huy cho hay, Bộ Giao thông Vận tải không phải bỏ rơi nhà đầu tư, đây là một trong những rủi ro mà nhà đầu tư phải tính, họ yếu, không hiểu sâu về tài chính dự án dẫn đến xảy ra việc này thì coi đó là rủi ro mà nhà đầu tư phải gánh chịu.
Doanh nghiệp là người nộp thuế, nhà nước có trách nhiệm bảo vệ nhưng đúng pháp luật, không thể bảo vệ những chuyện sai pháp luật được. Trước đó, Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì đã có văn bản kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài Chính, Giao thông Vận tải xin dừng hoạt động cầu Hạc Trì bắc qua Sông Lô sau 15 ngày tới nếu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không có biện pháp bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư. Lý do mà đơn vị này đưa ra là từ 1/8 vừa qua, người dân đã phá vỡ ụ chắn bê tông lên cầu Việt Trì cũ nên đại đa số phương tiện lưu thông qua cầu này để được miễn phí thay vì đi cầu Hạc Trì. Trong khi, cầu Việt Trì cũ được xác định là xuống cấp nghiêm trọng, đã cắm biển cấm xe cơ giới song cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ không có biện pháp ngăn chặn xe đi lên.
Đặc biệt, từ 21/8 vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cho phép xe ô tô con chở người từ 7 chỗ trở xuống, xe máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu Việt Trì, điều này đã làm lưu lượng xe qua cầu Hạc Trì giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phương án thu hồi vốn của dự án. Cụ thể, tại thời điểm tính toán, doanh thu thu phí cầu Hạc Trì năm 2016 theo phương án tài chính đã được phê duyệt phải đạt 138 tỷ đồng/năm (tương đương 11,5 tỷ đồng/tháng) nhưng thực tế thu phí hiện nay chỉ đạt 7-8 tỷ đồng/tháng, con số này sẽ còn thấp hơn khi xe chở người dưới 7 chỗ được phép đi qua cầu Việt Trì cũ./.Nhà đầu tư BOT “dọa” đóng cửa cầu Hạc Trì