Vùng ĐBSCL không chỉ là vựa lúa - gạo, trái cây, thủy sản của cả nước mà còn đóng góp quan trọng cho nền nông nghiệp Việt Nam với vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh lương thực.

Nơi đây, các mặt hàng nông sản chủ lực luôn chiếm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước nhưng phần lớn lại chưa có được thương hiệu mạnh.

thuong-hieu.jpg
Gạo Vibigaba nhờ làm tốt công tác xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm nên giá lên đến 70.000 đồngk
Đây chính là điểm yếu “chí tử” mà những sản phẩm nông sản làm ra giá trị đem lại chưa cao, đời sống người nông dân còn bấp bênh trên thửa ruộng, mảnh vườn. ĐBSCL được xem là vùng dẫn đầu cả nước về sản phẩm lúa gạo, thủy sản xuất khẩu. Đây cũng là vùng sản xuất nhiều loại trái cây nổi tiếng. Đặc biệt, nơi đây nhiều thương hiệu nổi tiếng thuộc 3 nhóm sản phẩm chủ lực của vùng như: nước mắm Phú Quốc, gạo nàng thơm Chợ Đào; vú sữa Lò Rèn, Vĩnh Kim. Tuy nhiên, hiện khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực của vùng còn nhiều hạn chế, nhất là đối với thị trường xuất khẩu.

Nguyên nhân chính dẫn đến khả năng cạnh tranh kém hiệu quả ở thị trường xuất khẩu của các sản phẩm chủ lực trong vùng ĐBSCL chính là không có thương hiệu riêng, từ đó, khiến lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp và địa phương trong vùng bị ảnh hưởng.

Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: Chúng ta biết rằng các thương hiệu gạo, cá tra, trái cây được xây dựng gắn với tên doanh nghiệp. Dưới góc nhìn chính sách, ngoài thương hiệu cộng đồng còn được định danh gắn liền với doanh nghiệp hoặc với một địa phương. Nhưng những thương hiệu mạnh bao giờ cũng là chất xám của các nhà khoa học, là mồ hôi của nông dân để kết tinh nên.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, một số sản phẩm nổi tiếng của vùng ĐBSCL đã được cấp văn bằng bảo hộ, như: chỉ dẫn địa lý (nước mắm Phú Quốc-Kiên Giang, bưởi Năm Roi Bình Minh-Vĩnh Long…),  nhãn hiệu tập thể (cá rô Hậu Giang, quýt hồng Lai Vung-Đồng Tháp..) nhưng số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở ĐBSCL tăng không đáng kể và có xu hướng giảm.

Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị đặt chữ tín lên hàng đầu, giữ gìn thương hiệu Xoài Cao

Năm 2012, khu vực này có hơn 1.800 đơn đăng ký (chiếm 7,3% cả nước) và khoảng 1.200 số văn bằng được cấp (chiếm 7,7%). Năm 2013, toàn vùng cũng chỉ có khoảng 1.800 đơn đăng ký và số văn bằng được cấp cũng khoảng 1.200. Nguyên nhân do một số địa phương trong vùng chưa xác định cụ thể sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ cần tập trung đầu tư dẫn đến tình trạng phát triển dàn trải, thiếu chiến lược chung.

Ông Bùi Văn Quyền, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh: “Khi có được chứng nhận thì việc quảng bá là chức trách của chính quyền, của ngành công thương. Chuỗi này chúng ta phối hợp hiệu quả không? Quản lý nhà nước giúp doanh nghiệp, nhân dân thế nào. Thực tế, chúng ta chưa thật sự phối hợp chặt chẽ từ chính quyền, ngành nông nghiệp, công thương. Liệu chúng ta bỏ công ra lấy được giấy chứng nhận thương hiệu nhưng cuối cùng không phát triển lên được”.

Việc xây dựng, phát triển và quản lý thương hiệu là một yêu cầu tất yếu, khách quan trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vượt trội của vùng. Đây cũng là giải pháp góp phần nâng cao liên kết, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Song, những khó khăn về chính sách pháp lý, quy hoạch- đầu tư, khoa học công nghệ, thị trường… là bài toán khó cho doanh nghiệp và địa phương trong xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu.

Ông Ngô Kỷ, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang đưa ra một vấn đề “hóc búa”. Đó là thương hiệu xoài cát Hòa Lộc có cái nôi từ Cái bè, Tiền Giang nhưng trên thực tế, Tiền Giang không phải là địa phương trồng “độc quyền” giống xoài này. Một số địa phương trong vùng cũng trồng thành công và khi đưa ra thị trường vẫn mang tên xoài cát Hòa Lộc. Ông nói: “Khi có thương hiệu vùng miền sẽ có tổ chức quản lý. Tổ chức quản lý phải được cục sở hữu trí tuệ cho phép bằng văn bản. Như vậy, ai tổ chức, ai đứng ra quản lý. Đây là bài toán rất khó đối với vùng ĐBSCL mặc dù đồng bằng thừa hưởng nguồn tài nguyên rất lớn. Hiện nay chúng ta quản lý theo hệ thống hành chính. Tiền Giang không thể quản lý xoài cát Hòa Lộc ở Hậu Giang, Tiền Giang cũng không thể quản lý bưởi Năm Roi bên Vĩnh Long. Đây là vấn đề đòi hỏi một cơ chế rất minh bạch. Chứ hiện nay tổ chức quản lý rất khó”.

Có thể nói, các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL luôn chiếm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng hầu hết chưa có được thương hiệu mạnh. Yêu cầu xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản chủ lực với đặc thù vùng, miền, chỉ dẫn địa lý gắn với các doanh nghiệp mạnh, uy tín đã được đặt ra thời gian qua nhưng đến nay vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Vì vậy, theo Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, một chiến lược thương hiệu vùng miền nói chung và các loại nông sản chủ lực của ĐBSCL nói riêng đang trở thành đòi hỏi bức bách.

Thương hiệu vùng, miền như một “cơ thể sống”. Muốn thành công, không thể chỉ dừng lại ở việc thiết kế một logo, hệ thống nhận diện thương hiệu mà phải liên tục duy trì, nuôi dưỡng thông qua các hoạt động xây dựng và quản trị thương hiệu. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển các thương hiệu vùng ĐBSCL cần được đặt trong một chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, xác định trách nhiệm, lợi ích của từng “chủ thể” tham gia. Để từ đó, góp phần tạo nên giá trị cho sản phẩm nông sản, hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân./.