Sáng nay (14/1), tại Cần Thơ, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm về “Xây dựng, phát triển thương hiệu và bảo vệ tài sản trí tuệ của các tỉnh ĐBSCL”.

ĐBSCL với diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu ha, được xem là vùng dẫn đầu cả nước về sản phẩm lúa gạo, thủy sản xuất khẩu và là vùng sản xuất nhiều loại trái cây nổi tiếng. Tại đây, có nhiều thương hiệu nổi tiếng thuộc 3 nhóm sản phẩm chủ lực của vùng như gạo nàng thơm Chợ Đào, vú sữa Lò Rèn, Vĩnh Kim, nước mắm Phú Quốc; các sản phẩm chế biến từ cá tra, tôm...

dbsclvn.jpg
Việc không có thương hiệu riêng khiến nhiều sản phẩm của ĐBSCL kém cạnh tranh

Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm này còn nhiều hạn chế, nhất là đối với thị trường xuất khẩu. Việc không có thương hiệu riêng được xem là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này. Cho đến nay, vùng ĐBSCL vẫn chưa có một chương trình thương hiệu vùng miền trong chiến lược thương hiệu quốc gia khiến nhiều sản phẩm, lợi thế vẫn chỉ ở dạng “tiềm năng”.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của vùng được xem là một trong những việc làm cấp bách hiện nay. Trong đó, cần định danh rõ ràng từng thương hiệu gạo, trái cây, thủy sản của vùng ĐBSCL vào Chương trình thương hiệu quốc gia của Chính phủ để quảng bá hình ảnh đất nước.

Một nhãn hiệu “Made in Mekong Delta” cho các mặt hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL sẽ là cách tiếp cận hiệu quả với thị trường xuất khẩu, kể cả trong nước. Ông Huỳnh Trường Vĩnh, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Hậu Giang cho rằng: “Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền là vấn đề rất thiết thực để có điều kiện liên kết. Nhưng thường khi có doanh nghiệp lớn đặt hàng thì không đáp ứng được số lượng. Bài học này đã có ở bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc. Các địa phương đã rất nỗ lực nhưng vẫn thiếu chính sách, thiếu liên kết với nhau để phát triển”./.