Long An là tỉnh có nhiều thế mạnh về nông nghiệp với những đặc sản như: gạo nàng thơm Chợ Đào, thanh long Châu Thành, dưa hấu Long Trì, khóm Bến Lức… Không chỉ các ngành chức năng trong tỉnh mà nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất cũng đang đặc biệt quan tâm đến xây dựng thương hiệu để gia tăng giá trị nông sản.
Sản phẩm thanh long sản xuất tại Long An (Ảnh: KT) |
Cây thanh long Châu Thành của tỉnh Long An từ lâu đã được nhiều người biết đến có màu đỏ đẹp, vị ngọt, nhưng chưa chính thức được khách hàng ghi nhận. Trước thực trạng đó, hợp tác xã thanh long Tầm Vu ở huyện Châu Thành đã đề nghị tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu “Thanh long Tầm Vu”. Đến giữa năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận này.
Từ đó, sản lượng xuất khẩu thanh long của riêng hợp tác xã Tầm Vu tăng từ gần 2 tấn/ha/năm lên 6 tấn/ha/năm, giá cả cũng ổn định hơn. Điều quan trọng là, trước khi có thương hiệu, thanh long Tầm Vu chỉ xuất khẩu gián tiếp qua các thương lái Trung Quốc, đến nay đã có thể xuất khẩu sang Thái Lan. Mới đây, khách hàng từ Đức cũng đã đến hợp tác xã này đặt quan hệ hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Vấn đề đặt ra hiện nay là các xã viên của hợp tác xã phải tìm cách đảm bảo chất lượng, sản lượng cho các hợp đồng, giữ vững uy tín thương hiệu. Ông Trương Quang An, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Tầm Vu cho biết: “Hợp tác xã có xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm, nhờ đó được nhiều người biết đến và bán được hàng ở khắp nơi”.
Tương tự như vậy, 3 nhãn hiệu thanh long còn lại ở Châu Thành cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Và để nâng quy mô thương hiệu, Sở Khoa học - Công nghệ Long An đang xây dựng thương hiệu “thanh long Châu Thành” cho cả 4 nhãn hiệu này để giới thiệu ra quốc tế. Thực tế sản xuất và tiêu thụ của thương hiệu thanh long Tầm Vu, gạo nàng thơm Chợ Đào và 23 thương hiệu khác của Long An đã được công nhận khiến ngày càng nhiều hợp tác xã, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Tỉnh Long An cũng đặc biệt quan tâm, khuyến khích việc xây dựng thương hiệu nông sản. Chi phí để xây dựng được một nhãn hiệu hàng hóa khoảng 40 triệu đồng đều do tỉnh hỗ trợ. Ông Mai Văn Nhiều, Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ Long An cho rằng: “Để có thương hiệu và uy tín, trước hết sản phẩm phải có chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Xây dựng thương hiệu rất quan trọng vì nó là vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp”.
Xây dựng thương hiệu nông sản đã khó, để giữ vững và phát triển thương hiệu đó lại càng khó hơn. Sở NN&PTNN tỉnh Long An đã vận động, hỗ trợ hình thành mô hình cánh đồng mẫu rộng 63 ha ở vùng lúa Nàng thơm Chợ Đào với mong muốn nâng cao sản lượng, chất lượng lúa và nhất là để đặc sản này đến được với đông đảo người tiêu dùng. Với cây thanh long và nhiều đặc sản khác, ngành hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Long An cho biết: “Đối với những sản phẩm nông nghiệp đã có thương hiệu, ngành nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật để nông dân đảm bảo chất lượng, giữ uy tín cho sản phẩm. Đối với những nông sản đã có tiếng nhưng chưa được công nhận chính thức, ngành khuyến khích các tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, để đảm bảo đầu ra và nâng cao giá trị nông sản”.
Ngoài thanh long Châu Thành, gạo nàng thơm Chợ Đào, Long An còn nhiều nông sản chất lượng khác đã có thể xây dựng thương hiệu như: chanh Bến Lức, dưa hấu Đồng Tháp Mười…Gần đây, khi sản lượng lương thực đã đạt đến con số 2,8 triệu tấn/năm, Long An chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Muốn như thế, việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu nông sản như hiện nay là rất cần thiết./.