Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đại dịch Covid-19 đã khiến tiền lương tháng giảm đi hoặc tăng chậm hơn trong sáu tháng đầu năm 2020 ở hai phần ba quốc gia toàn cầu có số liệu chính thức, và cuộc khủng hoảng này có khả năng sẽ khiến tiền lương còn giảm trầm trọng trong thời gian tới.
Cuộc khủng hoảng tác động đặc biệt nặng nề đến tiền lương của phụ nữ và nhóm lao động vốn được trả lương thấp.
Thêm vào đó, mặc dù tiền lương trung bình của một phần ba số quốc gia có số liệu dường như tăng lên, điều này phần nhiều là do một số lượng khá lớn người lao động được trả lương thấp hơn bị mất việc làm, dẫn đến số liệu trung bình bị sai lệch do những lao động này không còn là đối tượng được tính trong dữ liệu về lao động làm công ăn lương.
Với những nước áp dụng những biện pháp quyết liệt để duy trì việc làm, có thể thấy rõ tác động chính mà khủng hoảng gây nên là tình trạng sụt giảm tiền lương thay vì mất việc hàng loạt.
Phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề hơn nam giới
Báo cáo Tiền lương Toàn cầu 2020-2021 cho thấy không phải mọi người lao động đều bị ảnh hưởng như nhau bởi khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng tác động tới phụ nữ nặng nề hơn so với nam giới. Số liệu ước tính dựa trên số liệu chọn mẫu của 28 quốc gia châu Âu cho thấy, nếu không có trợ cấp tiền lương, tiền lương của phụ nữ trong quý II năm 2020 lẽ ra đã bị giảm 8,1%, trong khi con số này ở nam giới là 5,4%.
Khủng hoảng cũng tác động nghiêm trọng đến nhóm lao động vốn được trả lương thấp hơn. Thời giờ làm việc của lao động làm những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp hơn giảm nhiều hơn so với các vị trí quản lý hay công việc chuyên môn được trả lương cao hơn. Sử dụng số liệu thu thập được từ 28 quốc gia châu Âu, báo cáo cho thấy nếu không có trợ cấp, ước tính 50% số lao động được trả lương thấp nhất lẽ ra đã phải đối diện với mức giảm 17,3% tiền lương.
Nếu không có trợ cấp, mức sụt giảm tiền lương trung bình ở tất cả các nhóm lẽ ra đã là 6,5%. Tuy nhiên, trợ cấp tiền lương đã bù đắp được 40% mức tổn thất này.
Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, cho biết: “Sự gia tăng bất bình đẳng do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây nên có nguy cơ để lại một hệ quả lâu dài về nghèo đói và bất ổn về kinh tế và xã hội, và đây là điều vô cùng tồi tệ. Chiến lược phục hồi của chúng ta phải đặt con người làm trung tâm. Chúng ta cần có những chính sách về tiền lương phù hợp có tính đến tính bền vững của việc làm và doanh nghiệp, đồng thời giải quyết tình trạng bất bình đẳng và sự cần thiết phải duy trì nhu cầu tiêu dùng.
Nếu chúng ta có ý định xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, chúng ta cũng phải trả lời một số những câu hỏi không mấy dễ chịu về nguyên do tại sao những công việc mang lại giá trị xã hội cao như công việc chăm sóc hay nghề giáo, lại thường chỉ được trả lương thấp".
Báo cáo cũng phân tích các hệ thống tiền lương tối thiểu – công cụ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập quá trình phục hồi bền vững và công bằng. Tiền lương tối thiểu hiện đang được triển khai dưới một số hình thức khác nhau tại 90% quốc gia thành viên của ILO.
Nhưng ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, báo cáo cho thấy, 266 triệu người trên toàn cầu, tương đương với 15% tổng số lao động làm công ăn lương trên toàn thế giới, có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu giờ, do tình trạng không tuân thủ pháp luật hoặc do họ không thuộc diện bao phủ của những cơ chế đó theo quy định pháp lý. Phụ nữ là đối tượng chiếm số đông trong số những lao động có thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu.
Theo bà Rosalia Vazquez-Alvarez, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết: “Mức lương tối thiểu phù hợp có thể bảo vệ người lao động khỏi việc bị trả lương thấp và giúp giảm tình trạng bất bình đẳng. Nhưng để đảm bảo chính sách tiền lương tối thiểu phát huy hiệu quả, cần phải có các gói giải pháp mang tính tổng thể và bao trùm.
Điều đó đồng nghĩa với tuân thủ pháp luật tốt hơn, mở rộng diện bao phủ tới nhiều người lao động hơn và xác định tiền lương tối thiểu ở mức phù hợp và liên tục được điều chỉnh so với điều kiện thực tế, cho phép người lao động tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và cho gia đình họ. Ở những nước đang phát triển và mới nổi, việc tuân thủ pháp luật tốt hơn sẽ đòi hỏi dịch chuyển người lao động từ những công việc không chính thức sang khu vực chính thức”.
Báo cáo Tiền lương Toàn cầu 2020-2021 cũng xét đến xu hướng tiền lương tại 136 nước trong bốn năm trước đại dịch. Báo cáo cho thấy tăng trưởng tiền lương thực tế toàn cầu dao động trong khoảng 1,6% đến 2,2%. Tiền lương thực tế tăng nhanh nhất ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương và Đông Âu, và chậm hơn nhiều tại Bắc Mỹ và Bắc Âu, Nam Âu và Tây Âu./.