Từ ngày 9 -10/6, sau khi ngành điện thông báo hóa đơn tiền điện của tháng 5 đến các hộ sử dụng điện, đã có nhiều kiến nghị, thắc mắc của các khách hàng sử dụng điện sịnh hoạt về số tiền điện phải nộp trong tháng tăng cao, mặc dù tiền điện trong tháng đã có sự hỗ trợ giảm giá theo chỉ đạo của Bộ Công Thương do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các kiến nghị tập trung chủ yếu vào hóa đơn tiền điện tháng 5 tăng vọt so với các tháng trước đó, có trường hợp cao gấp từ 2 - 3 lần mặc dù người, thiết bị cũng như thời gian sử dụng điện không tăng; Có kiến nghị, thắc mắc và nghi ngờ về tính chính xác của công tơ điện, số liệu công tơ sai lệch khiến số tiền điện phải trả tăng cao…
Số liệu từ Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC) cho thấy, tính đến hết ngày 31/5, số lượng yêu cầu của khách hàng qua trung tâm 19006769 là 781.447 yêu cầu, tăng 14,76% so với cùng kỳ. Trong đó, các ý kiến liên quan đến hóa đơn tiền điện lên đến 5.210 trường hợp; công tơ điện và chỉ số công tơ điện lên đến 14.489 trường hợp.
Ông Lê Văn Trang, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC) |
Về việc tiền điện tăng cao, theo lý giải của Tổng công ty điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI), việc sử dụng điện của khách hàng tăng cao trong tháng 5 trùng với đợt cao điểm nắng nóng khiến số tiền điện trong tháng 5 tăng cao. Đặc biệt, với chính sách giá điện bậc thang hiện nay, nếu sản lượng điện tiêu thụ của các hộ tiêu dùng trong tháng tăng gấp đôi, thì tiền điện sẽ tăng tương ứng gấp 3 hoặc hơn gấp 3 lần.
Sản lượng điện tiêu thụ tăng cao trong tháng 5 cũng được đối chiếu theo báo cáo của Tập điện Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 5/2020 đạt 21,58 tỷ kWh (trung bình 696,1 triệu kWh/ngày), sản lượng ngày lớn nhất đạt 790,6 triệu kWh (ngày 22/5) và công suất lớn nhất toàn hệ thống đạt 37.809 MW (ngày 21/5). Lũy kế 5 tháng năm 2020 đạt 97,41 tỷ kWh, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Lê Văn Trang, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC), năm 2020, tình hình diễn biến thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Ngay đầu năm âm lịch đã xảy ra mưa sét, giông lốc trên diện rộng; trong các tháng 3, 4 cũng đã xảy ra nhiều lần mưa đá, giông lốc đặc biệt là khu vực phía Tây Bắc. Tháng 5, 6 này, nắng nóng diện rộng diễn ra trên khắp miền Bắc Trung bộ gây ra những thách thức không nhỏ trong việc cung ứng, vận hành lưới điện.
Trong khi đó, tỷ lệ thành phần điện quản lý - tiêu dùng dân cư của EVNNPC chiếm tỷ trọng khoảng 30%, nên trong đợt nắng nóng, hầu hết các tỉnh đều có mức tăng sản lượng cao đột biến (từ 10% - 15%). “Ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài cũng làm giảm hiệu suất mang tải của thiết bị, huy động công suất của các nhà máy điện, làm tăng nguy cơ xuất hiện bất thường hoặc sự cố trên lưới, ảnh hưởng đến vận hành ổn định của lưới điện”, ông Trang nói.
Riêng đối với các kiến nghị liên quan đến chỉ số công tơ điện, ông Nguyễn Trọng Phụng, Giám đốc Trung tâm chăm sóc khách hàng EVNNPC cho biết, việc ghi chỉ số công tơ điện hàng tháng đều có sự giám sát của khách hàng. EVNNPC xử lý rất nghiêm những trường hợp ghi sai, ghi không đúng số lượng điện năng tiêu thụ.
Đối với việc xử lý các khiếu nại của khách hàng, ông Phụng cho biết, sau khi tiến hành khảo sát quá trình ghi chỉ số công tơ của nhân viên ngành điện cho thấy, có khách hàng được giám sát, có khách hàng không tham gia giám sát sau đó phản hồi thắc mắc về tiền điện trong tháng của hộ gia đình tăng cao.
“Các khách hàng này đều có điện thoại về Trung tâm CSKH để hỏi lý do và yêu cầu Trung tâm giải thích. Những thắc mắc của những khách hàng này đều được Trung tâm tiếp nhận và chuyển ngay đến các điện lực tỉnh, thành phố, quận, huyện. Theo quy định của EVNNPC, trong thời gian không quá 24 giờ, tất cả các trường hợp khách hàng thắc mắc về chỉ số công tơ đều được kiểm tra và giải đáp thỏa đáng”, ông Phụng khẳng định.
Ông Nguyễn Trọng Phụng, Giám đốc Trung tâm chăm sóc khách hàng EVNNPC. |
Cũng theo ông Phụng, sau khi ngành điện phản hồi đối với các thắc mắc, kiến nghị, các khách hàng này đều không có phản hồi lần 2 về việc xử lý, giải quyết thỏa đáng của ngành điện. Chính vì vậy, những thắc mắc của khách hàng liên quan đến chỉ số công tơ điện sau khi phúc tra có xác xuất rất thấp. Hiện nay, những thắc mắc này rơi vào những khu vực điện nông thôn, khi một vài nơi vẫn còn tồn tại các Tổ dịch vụ điện, HTX mua bán điện.
Giải thích về việc vẫn còn tồn tại các doanh nghiệp, HTX kinh doanh điện tại khu vực nông thôn, khiến ngành điện không thể bán điện trực tiếp tới từng hộ dân, bà Lê Mai Loan, Phó Ban kinh doanh EVNNPC cho biết, hiện nay ngành điện đã thực hiện bán điện đến 100% các xã và 98,87% các hộ dân đã được mua điện trực tiếp từ ngành điện.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ít các HTX kinh doanh điện hiệu quả nên không muốn bàn giao việc lưới điện nông thôn đã đầu tư cho ngành điện, vì thế vẫn còn những hộ dân không được sử dụng những dịch vụ điện giống như dịch vụ của ngành điện đáp ứng, từ đó nảy sinh những kiến nghị vượt cấp.
“Có trường hợp trong cùng trong 1 xã, nhưng vẫn có mấy thôn không bàn giao lưới điện kinh doanh cho ngành điện quản lý. Trong khi bất cứ chủ đầu tư nào muốn bàn giao lưới điện nông thôn là ngành điện sẵn sàng tiếp nhận. Chính vì thế ngành điện đang tiếp tục theo dõi, nếu người dân còn thắc mắc nhiều sẽ chính thức làm việc với các tỉnh để có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX bàn giao lại lưới điện, từ đó người dân được hưởng các chính sách, dịch vụ của ngành điện tốt hơn”, bà Loan lý giải./.