Chiều 18/10 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh- Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi đã chủ trì hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Hội nghị có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành và nhóm 6 Ngân hàng Phát triển.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển có ý nghĩa rất quan trọng để đạt được các mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016. Đầu tư công, trong đó có nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và giảm nghèo bền vững.

nhtatan_eixg.jpg
Bộ GTVT có tốc độ giải ngân tương đối cao vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm tạo chuyển biến thực sự về tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, trong đó có các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi; đồng thời giao các cơ quan liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát các quy định để nhanh chóng xác định và tháo gỡ rào cản đối với các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

“Các cơ quan phía Việt Nam sẽ phải phối hợp chặt chẽ hơn với các nhà tài trợ, đặc biệt là nhóm 6 Ngân hàng phát triển để thống nhất và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn viện trợ ODA và nguồn vốn vay ưu đãi, trong tình hình thực hiện giải ngân các nguồn vốn này đang chậm và không thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Chính phủ quản lý dự án ODA và nguồn vốn vay ưu đãi cũng như những chủ đầu tư các dự án này phải thấy được để giải quyết cùng với các nhà tài trợ để triển khai tốt các dự án”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng qua, nước ta đã ký kết 35 hiệp định với tổng giá trị ODA và vốn vay ưu đãi đạt hơn 4,9 tỉ USD, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng tổng giá trị giải ngân trong 9 tháng ước đạt 2,69 tỉ USD, chỉ bằng 81,4% mức giải ngân của cùng kì năm ngoái và mức giải ngân các nguồn vốn này không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương.

Cụ thể là trong khi Bộ GTVT, thành phố Hà Nội, TP HCM giải ngân tương đối cao thì còn rất nhiều bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp như Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên…

Các đại biểu đã đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân các dự án ODA và vốn vay ưu đãi. Theo đó, các cơ quan quản lý về ODA và vốn vay ưu đãi đẩy mạnh hài hòa quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý theo hướng tiếp cận tới các chuẩn mực quốc tế nhằm quản lý đồng bộ, hiệu quả các nguồn vốn này.

Đồng thời, cần tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan chủ quản dự án ODA được quyết định việc điều chỉnh hoạt động, tái phân bổ vốn dự án trong phạm vi các nội dung đã được phê duyệt; Đảm bảo thực hiện các cam kết đối ứng của phía Việt Nam, bao gồm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí nhân lực có chất lượng, bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác xây dựng, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch trung hạn và hàng năm vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng, đảm bảo bố trí kế hoạch sát với thực tế, kịp thời có giải pháp xử lý trong trường hợp số vốn giải ngân vượt kế hoạch giao./.