Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VDF) sáng nay (5/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ví con người và công nghệ như chìa khoá và ổ khoá, phải tương thích với nhau. Do đó, cách mạng 4.0 sẽ không khả thi nếu thiếu con người 4.0.

thu_tuong_nxp_hwvs.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ nhất với chủ đề "Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới", do Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức tại Hà Nội, sáng 5/12.

Kiên trì lắng nghe mọi ý kiến góp ý của các diễn giả, chuyên gia, Thủ tướng cho biết 25 năm trước bối cảnh hết sức khó khăn, thế nhưng nhờ sự nối lại viện trợ của các đối tác phát triển, Việt Nam đã có nguồn lực thúc đẩy cải cách, đẩy lùi đói nghèo.

Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ cảm ơn và thể hiện sự trân quý với những hỗ trợ này đã giúp Việt Nam sau gần hai thập niên trở thành nước có thu nhập trung bình.

Theo Thủ tướng, nhờ luôn có niềm tin vào con đường cải cách đã lựa chọn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới. Tăng trưởng liên tục đạt mức cao, bình quân 6,63%. Năm 2018, GDP dự kiến tăng khoảng 7%, thu nhập bình quân khoảng 2.540 USD/người (tính theo sức mua tương đương trên 7.200 USD).

Cùng với kinh tế phát triển, Việt Nam cũng rất thành công trong giảm nghèo. Tỷ lệ nghèo nếu tính theo tiêu chuẩn cũ với mức chi tiêu dưới 1,9 USD/ngày/người thì chỉ còn 2% vào năm 2017; nếu tính theo chuẩn nghèo đa chiều mới thì con số này khoảng trên 7%.

"Việt Nam có khát vọng đến năm 2045 sẽ trở thành nước thịnh vượng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày lập nước. Chúng tôi có khát vọng lọt vào nhóm nước có thu nhập cao trên thế giới", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Chúng tôi có khát vọng trở thành nền kinh tế thịnh vượng, nhưng nhận thức rõ rằng con đường đi đến không bằng phẳng, sẽ có nhiều thách thức. Đó là những thách thức đến từ nội tại nền kinh tế và tác động lớn từ những biến động của kinh tế quốc tế".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: CMCN 4.0 phải gắn liền công nghệ với con người.

Đánh giá bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động với nhiều cơ hội, thách thức đan xen, cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cách thức tổ chức sản xuất và đời sống…, Thủ tướng cho rằng, những điều này ảnh hưởng đến chính sách phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ những điểm nghẽn của nền kinh tế, đó là: thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, dù đã có cải cách nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ sẽ tăng tốc trong cải cách hành chính, môi trường kinh doanh, tạo kênh tương tác trực tiếp giữa người dân, chính quyền trên cơ sở ưu tiên xây dựng kênh số hóa, Chính phủ điện tử.

Nhấn mạnh phát triển nhân lực là chìa khoá vàng trong thành công, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tìm kiếm giải pháp hiệu quả để xây dựng được nguồn lực con người chất lượng phục vụ tăng trưởng bền vững. Hiện Việt Nam chỉ có 40% lực lượng lao động qua đào tạo và thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng trong Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cách mạng công nghiệp 4.0 không thể thiếu vắng yếu tố con người. (Ảnh minh họa: KT)
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, xem đây là đòn bẩy quan trọng tạo cạnh tranh.

Với mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang hun đúc tinh thần khởi nghiệp, mong muốn đối tác khởi nghiệp cùng đồng hành.

"Chúng tôi luôn hiểu rằng, con người là trung tâm, vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển. Con người và Công nghệ ví như chiếc chìa khóa và cái ổ khóa, phải tương thích với nhau. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không còn khả thi nếu chúng ta thiếu vắng con người 4.0", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Thủ tướng cho hay, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị chương trình phát triển kinh tế xã hội cho năm 2019, với những hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn có tính đột phá và hiệu quả hơn, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển 2020. Đồng thời, sẽ tiếp tục chỉnh sửa, nâng cấp và hoàn thiện các quy định về chuẩn mực môi trường kinh doanh theo tiêu chuẩn OECD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với những biện pháp, hành động mạnh mẽ hơn./.