Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018 sáng nay (5/12), ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, hành trình trở thành một nền kinh tế hiện đại hoá, công nghiệp hoá của Việt Nam mới chỉ mới bắt đầu. Những thành tựu trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai.

wb_gufe.jpg
Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB Việt Nam - tham dự Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018 được tổ chức tại Hà Nội, sáng nay (5/12).

Trong nước, Việt Nam sẽ phải giải quyết những cản trở mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tăng trưởng năng suất chậm và đầu tư thấp, cũng như chi phí môi trường lên quá trình phát triển ngày càng lớn.

Trong khi xử lý những cản trở này, Việt Nam cũng sẽ cần phải lựa chọn hướng đi trong một bối cảnh thế giới đang thay đổi. Điều quan trọng trong quá trình đất nước chuyển sang chu kỳ chiến lược và kế hoạch phát triển tiếp theo được ông Ousmane Dione nhấn mạnh là phải nhìn nhận tồn đọng và thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng, không chỉ là chất mà còn là lượng.

Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển

Báo cáo Việt Nam 2035 đưa ra khát vọng: Thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10 nghìn USD/người/năm tính theo giá hiện hành. Khát vọng này được thực hiện thông qua chương trình cải cách thể chế và các chính sách hỗ trợ dựa trên ba trụ cột chính: Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; Công bằng và hòa nhập xã hội; Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.
Để thực hiện thành công khát vọng trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao như đã hình dung trong báo cáo Việt Nam 2035, ông Ousmane Dione lưu ý: Việt Nam cần ưu tiên thực hiện một số giải pháp, trong đó có việc thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển khu vực tư nhân trong nước, bởi khu vực này sẽ trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.

Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý. Song song với đó, Việc Nam phải cải cách doanh nghiệp Nhà nước, tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị doanh nghiệp, thông qua Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước mới thành lập, đồng thời thúc đẩy và tăng cường cổ phần hoá và thoái vốn.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, chú ý đến khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, Giám đốc WB Việt Nam chỉ rõ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng cả về chất và lượng. Đứng trước những khó khăn về tài chính, việc giải phóng nguồn đầu tư tư nhân có thể có ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đầu tư cao của Việt Nam.

Ông Ousmane Dione cũng gợi ý, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư vào vốn nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ đột phá thay đổi nhanh chóng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đầu tư vào nhân lực đòi hỏi một phương pháp tiếp cận theo toàn bộ chu kỳ với những nỗ lực phối hợp hiệu quả để cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, đặc biệt là ngay từ thời thơ ấu, giáo dục suốt đời và đào tạo kỹ năng.

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng được đại diện WB chỉ ra là, Việt Nam cần quan tâm đến các vấn đề môi trường do sự tăng trưởng nhanh chóng đang tạo ra chi phí môi trường ngày càng lớn. Những vấn đề môi trường ngày càng tăng này không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn.

Để thực hiện thành công các nội dung ưu tiên này, theo ông Ousmane Dione, cần những thể chế của nhà nước có năng lực và hiệu quả. Cùng với đó, ông cũng nhấn mạnh việc cần phải huy động và sử dụng những nguồn lực khan hiếm của mình một cách hiệu quả để tài trợ cho một chương trình phát triển đầy tham vọng.

Tạo sức hút đối với các nhà đầu tư

Cũng "hiến kế" cho Việt Nam trong cải cách và phát triển, ông Sudhir Shetty - Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB - nhấn mạnh đến sự cần thiết phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải cách liên tục để tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Ông Sudhir Shetty góp ý, Việt Nam cần giảm bớt mức độ dễ bị tổn thương trong ngắn hạn từ các tác động bên ngoài với nền kinh tế. Đồng thời, phải tăng cường tính sẵn sàng, bao gồm cả các giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa.

Việt Nam cần tiếp tục cải cách nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, trong đó có cải cách về chính sách thương mại và đầu tư. Xây dựng kỹ năng cho người lao động, bao gồm các kỹ năng nhận thức bậc cao và kỹ năng số, thông qua mở rộng tiếp cận giáo dục sau phổ thông, chuyên gia WB nêu rõ.

Theo ông Sudhir Shetty, việc nâng cao kỹ năng là điều rất quan trọng, giúp nguồn nhân lực có tính cạnh tranh, thích ứng với sự thay đổi về nghề nghiệp và công nghệ trên thế giới mà Việt Nam cần đặc biệt quan tâm.

Chuyên gia của WB cũng khuyến nghị, Việt Nam tăng cường tính bao trùm sự phát triển và cải cách đến mọi vùng miền, mọi tầng lớp trong xã hội, chú trọng đến mở rộng dịch vụ việc làm và tiếp cận công nghệ số./.