Chiều 25/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành làm việc định kỳ với các chuyên gia, tư vấn nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 và các giải pháp gắn với chính sách để thực hiện các mục tiêu của năm 2013.
Theo thông tin đánh giá tại buổi làm việc: tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhất là so với cùng kỳ năm ngoái: sản xuất công nghiệp tăng 21,1%, xuất khẩu tăng 43,2%, dịch vụ tăng 8,1%, vốn đầu tư nước ngoài tăng 5% và đã có gần 4.000 doanh được thành lập mới… Công tác đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tiếp tục được quan tâm, đặc biệt là đã xuất cấp không thu tiền gần 19.000 tấn gạo để cứu đói trong dịp Tết Nguyên Đán và giáp hạt, giải quyết việc làm cho 130.000 lao động... Các chuyên gia nhận định: tình hình năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là mục tiêu kiềm chế lạm phát. Lạm phát tháng 1 tăng 1,25%. Với đà này nếu không có giải pháp đồng bộ thì lạm phát cả năm sẽ là hai con số. Nguyên nhân chính là do sự phối hợp chính sách chưa nhạy cảm, bởi ai cũng biết tháng giáp Tết giá cả một số mặt hàng sẽ tăng trong khi một số tỉnh lại tăng giá dịch vụ y tế mới…
Một số ý kiến cho rằng: Các chính sách điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi đà tăng trưởng gắn với quyết liệt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhất là xử lý nợ xấu và tồn kho bất động sản phải có lộ trình cụ thể trong từng tháng. Chính phủ cũng cần có những giải pháp dài hạn trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cung cấp số liệu kịp thời và cần quyết liệt tăng cường niềm tin thị trường… Trước mắt, tập trung kiểm soát ổn định thị trường giá cả, bảo đảm cung cầu hàng hóa trong dịp Tết; tăng cường chống buôn lậu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống rét, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và đảm bảo an toàn giao thông…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết và thiết thực của các chuyên gia về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước. Thủ tướng nêu rõ, dự báo và cập nhật tình hình hết sức quan trọng trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Những vấn đề nổi lên cần sớm được giải quyết, đó là chậm cụ thể hóa các chính sách, còn tổ chức thực hiện và phối hợp thực hiện vẫn chưa tốt, giá cả tăng cao, tăng trưởng tín dụng chậm, doanh nghiệp phá sản tăng…Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đang quyêt liệt chỉ đạo các biện pháp điều hành hạ lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung vào xử lý nợ xấu và hàng tổn kho. Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, dứt khoát phải thoái vốn ngoài ngành và giải thể dứt điểm các doanh nghiệp yếu kém …./.