Liên quan đến việc Tập đoàn Central Group - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam ngày 2/7 đã có thư gửi các đối tác tại Việt Nam, thông báo về việc siêu thị Big C sẽ tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam kể từ tháng 7/2019, cho đến khi có thông báo mới, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã có thông tin về vụ việc này.
Bộ Công Thương thông tin nhiều vấn đề báo chí và người dân quan tâm. |
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tại cuộc gặp giữa Bộ Công Thương với đại diện Tập đoàn Central Group diễn ra sáng 4/7, Tập đoàn Central Group đã báo cáo sự việc cho biết, tập đoàn này đang xây dựng chương trình xem xét lại danh mục hàng hóa nên có việc tạm dừng mua hàng của một số DN may mặc Việt Nam, quá trình này sẽ diễn ra trong khoảng 15 ngày. Hiện Central Group đã có thư gửi các đối tác giải thích rõ về việc làm này và các hợp đồng giao dịch trước đó vẫn tiếp tục được thực hiện.
“Big C Việt Nam cam kết ngay trong ngày hôm nay (4/7) sẽ mở đơn hàng cho 50 trên tổng số 200 nhà cung cấp sản phẩm dệt may cho Big C Việt Nam. Họ cũng khẳng định, trong vòng 2 tuần tới sẽ tiếp tục mở thêm 100 đơn hàng sản phẩm may mặc cho các nhà cung cấp. Tuy nhiên, Big C Việt Nam cũng phản ảnh, một số DN may mặc của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu từ phía Big C Việt Nam theo cam kết hợp đồng đã ký. Central Group cũng khẳng định, Tập đoàn luôn thực hiện đúng cam kết đã ký trong hợp đồng với các nhà cung cấp Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.
Big C phải tuân thủ Luật Cạnh tranh
Thông tin với báo chí về quan điểm của Bộ Công Thương trong vụ việc này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, Bộ Công Thương đánh giá cao những đóng góp của Central Group trong việc tạo công ăn việc làm, trực tiếp đưa hàng hoá của nông dân đến tay người tiêu dùng ko qua trung gian.
Tuy nhiên, việc Big C Việt Nam có hợp đồng với các nhà cung cấp Việt Nam nói chung và các nhà cung cấp sản phẩm may mặc nói riêng cần phải tuân thủ các quy định liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, tuân thủ Luật Cạnh tranh cũng như các quy định pháp luật khác của Việt Nam. Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng Việt Nam.
“Bộ Công Thương trong cuộc làm việc với Tập đoàn Central Group cũng đã mời đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tham dự và tiến hành ký biên bản nguyên tắc hợp tác. Nếu có bất cứ vấn đề gì về việc tiêu thụ sản phẩm dệt may, Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ là cơ quan đầu tiên đứng ra giải quyết nhằm bảo vệ quyền lợi của các thành viên trong Hiệp hội và người tiêu dùng Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, Central Group đã mua lại Big C và có quyền sở hữu trong thời hạn 10 năm. Hiện hệ thống Big C Việt Nam đang tạo công việc làm cho 17.000 lao động, đóng góp 500 tỷ đồng thuế vào Ngân sách Nhà nước.
Thời gian qua, Big C Việt Nam đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân Việt Nam bằng chương trình sinh kế cộng đồng, mỗi xã một sản phẩm, các tuần lễ nông sản địa phương. Big C Việt Nam cũng tham gia cùng Bộ Công Thương tổ chức chương trình tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài cũng như phối hợp với nhiều doanh nghiệp trong nước đưa sản phẩm xuất khẩu tại nhiều quốc gia./.
Big C phải giải thích rõ vì sao ngừng nhập hàng dệt may Việt Nam?