Năm 2015, nhận thấy nuôi lợn nái ngoại cho hiệu quả kinh tế cao, chị Hồ Thị Hồng đã mạnh dạn nhận thầu 1,5 ha đất ở Nông trường Trịnh Môn, xã Quỳnh Bảng để cải tạo, xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại. Gia đình đã xây dựng 3 chuồng nuôi, mỗi chuồng có diện tích 400m2; sau đó mua 200 con lợn nái ngoại giống Mỹ và Đài Loan về thả nuôi. Ban đầu, để hiểu về kỹ thuật của chăn nuôi lợn nái ngoại, chị Hồng cùng với chồng là anh Vũ Văn Năng đã ra các tỉnh như Yên Bái, Đồng Nai… học hỏi và cách chăm sóc lợn nái ngoại.
Trại chăn nuôi lợn nái ngoại của gia đình chị Hồ Thị Hồng, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An |
“Xác định chăn nuôi là phải đầu tư và kiên trì nên trong quá trình nuôi, tôi đã đi học hỏi ở các trang trại lớn và chủ yếu mình tự tìm hiểu, mày mò để làm. Quan trọng nhất khi chăn nuôi là phải phòng trừ dịch bệnh, tiêm vắc xin theo định kỳ, quy trình nuôi phải đảm bảo, khoa học thì vật nuôi mới phát triển khỏe mạnh, sinh trưởng nhanh”. Chị Hồng chia sẻ.
Mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại của gia đình chị Hồng có quy mô, hiện đại. Hiện nay, tất cả 3 chuồng nuôi được tách hẳn riêng biệt gồm chuồng lợn nái mang bầu, chuồng lợn nái con và chuồng lợn nái đẻ. Ở mỗi chuồng, các ô được làm bằng khung sắt với đầy đủ hệ thống quạt hút khí, dàn lạnh với tổng chi phí hết 3 tỷ đồng. Từ khâu làm chuồng, xây dựng hầm bioga, hệ thống nước uống tự động cho đàn lợn, dàn làm mát, điện sưởi ấm cho lợn con gia đình chị Hồng đều tuân thủ theo quy trình khoa học do trung tâm hướng dẫn.
Mỗi con lợn nái đều gắn số hiệu ở tai để tiện theo dõi và chăm sóc |
Hơn 1 năm làm quen với việc nuôi lợn nái ngoại, chị Hồng nhận thấy nhiều ưu điểm vượt trội của giống, trung bình mỗi con đẻ được 2,5 lứa/năm, mỗi lứa từ 10 – 11 con. Trong năm đầu tiên đã có 50 con lợn nái đẻ với trên 1000 con. Số lợn con đến ngày xuất bán được các các trang trại và hộ gia đình trong và ngoài huyện đến mua toàn bộ.
Bên cạnh nuôi lợn nái ngoại, chị còn nuôi khoảng 200 con gà, ngan và đào ao thả cá với diện tích 6.000 m2. Trang trại đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với mức lương từ 4 - 8 triệu đồng/người/tháng. Tổng thu nhập mỗi năm đạt gần 1 tỷ đồng/năm.
Lợn con được chăm sóc chu đáo |
Chị Hồng cho biết, để việc chăn nuôi phát triển bền vững thì phòng, chống dịch từ xa, người vào trại phải phun thuốc sát trùng; xe chở lợn xuất chuồng được sát trùng và đi theo đường riêng; chuồng trại và môi trường xung quanh luôn được vệ sinh sạch sẽ, tiêm phòng vắc-xin cho lợn đúng và đủ liều... Điều đặc biệt đối với con lợn ngoại là phải đảm bảo chuồng trại luôn sạch sẽ, khô ráo thoáng mát nên chị phải cử công nhân thay phiên nhau trực 24/24 giờ.
Mong muốn của chị Hồ Thị Hồng là được thuê đất lâu dài để đầu tư nâng cấp chuồng trại và tăng thêm tổng đàn. Do lợn con giống không đủ cung cấp cho cho người chăn nuôi nên thời gian tới chị đang có kế hoạch mở rộng thêm 3 ha đất nữa để phát triển chăn nuôi lợn nái ngoại, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động./.Đào hào nuôi lợn rừng, nông dân thành tỷ phú