Tăng đàn, mở rộng chuồng trại một cách tự phát của các hộ chăn nuôi đang là hiện trạng xảy ra tại nhiều vùng chăn nuôi trọng điểm phía Bắc khi giá lợn xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc tăng cao. Theo các chuyên gia, việc tăng đàn ồ ạt sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người chăn nuôi khi phía Trung Quốc ngừng hoặc giảm nhập lợn từ Việt Nam.

nl1_bogd.jpg
Nhiều hộ dân tăng đàn nuôi lợn bất chấp rủi ro thừa nguồn cung, giá lợn giảm .
Phấn khởi là tâm lý chung của nhiều hộ dân trong vùng chăn nuôi tập trung ở xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội khi giá lợn xuất bán sang Trung Quốc tăng cao. Với 2.900 con lợn nái và 10.000 con lợn thịt các loại, mỗi ngày gia đình anh Nguyễn Văn Thanh ở xã Vạn Thái xuất bán từ 14 - 15 tấn lợn hơi.

So với cùng kỳ năm trước, thời điểm này giá lợn hơi chỉ khoảng 36.000 – 37.000 đồng/kg thì hiện nay mức giá lên tới 56.000 – 57.000 đồng/kg. Với mức giá khá cao như vậy thì người chăn nuôi đang có lãi.

“Chăn nuôi lợn trong giai đoạn này rất có lãi, tất cả các hộ đều phát triển số lượng nuôi theo cấp số nhân. Người dân cứ thấy có lãi là tăng số lượng nuôi và tiếp tục đầu tư, gia đình ang tiếp tục đầu tư trại tầm 700 lợn nái”, anh Thanh cho biết.

Hiện nay xuất khẩu lợn sang Trung Quốc không có hợp đồng giao kèo cụ thể, xuất khẩu chỉ theo đường tiểu ngạch, khi thương lái không mua nữa sẽ dẫn tới hiện tượng tiêu thụ sẽ bị tồn ứ, giá thu mua giảm thấp… thế nhưng hiện nay các hộ dân vẫn chạy theo lợi nhuận tiếp tục tăng đàn, mở rộng quy mô.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch UBND xã Vạn Thái cho biết, chủ trương của địa phương là hướng đến chăn nuôi bền vững, trong đó người dân ký kết các hợp đồng với doanh nghiệp về tiêu thụ sản phẩm đảm bảo quyền lợi.

“Chúng ta không nên chạy theo thị trường, cần tập trung giữ vững phát triển bền vững trong chăn nuôi theo kết cam kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm...tránh rủi ro cho hộ chăn nuôi”, ông Khôi cho biết.

Việc tăng đàn hay đầu cơ lợn phụ thuộc ở người chăn nuôi, cơ quan chức năng không thể can thiệp. Nhưng đáng tiếc là sau nhiều lần cảnh báo và thực tế đã xảy ra hiện tượng ùn ứ nông sản và vật nuôi khi nguồn cung dư thừa, đến nay vẫn còn những người dân thiếu tỉnh táo, chưa thận trọng và cân nhắc kỹ.

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội cho rằng, các trang trại chăn nuôi lớn thường chủ động được nguồn giống, khi giá giống cao thì người ta sẽ bán giống. Trong khi đó, các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi thời vụ khi thấy giá bán cao sẽ đổ xô vào nuôi, người chăn nuôi sẽ phải mua lợn giống với mức giá cao. Quy luật này thường lặp đi lặp lại cho đến khi đến vụ thu hoạch, lợn nuôi lại vào chu kỳ rớt giá.

Theo các chuyên gia, sản phẩm chăn nuôi nói riêng và nông sản nói chung vẫn xem Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhưng cũng là thị trường nhiều rủi ro nên phải hết sức thận trọng. Bởi, thương lái Trung Quốc mua lợn từ Việt Nam chủ yếu theo hình thức mua bán tiểu ngạch, nên khi cơ quan chức năng Trung Quốc cấm biên là giao dịch bị ngưng trệ. Thậm chí, các thương lái Trung Quốc chủ động ngừng mua một vài ngày để ép giá, nhiều người chăn nuôi sẽ thua lỗ.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khuyến cáo, việc phát triển đàn lợn trong nước ồ ạt tất yếu dẫn đến thời điểm cung vượt cầu, và nếu Trung Quốc không mua hoặc mua ít thì chắc chắn sẽ dư thừa.

“Bây giờ người chăn nuôi tăng đàn thì 5 - 6 tháng sau sản phẩm sẽ tăng, thời điểm đó nếu Trung Quốc không mua hoặc mua ít thì chắc chắn nguồn cung dư thừa. Khi nguồn cung thừa chắc chắn giá sẽ giảm, bà con nông dân có thể sẽ bị thua lỗ”, ông Trọng cảnh báo.

Bài học từ những cơn sốt cục bộ khi làm ăn với thương lái Trung Quốc như dưa hấu, hành tím nay lại được tái hiện sinh động với câu chuyện xuất khẩu lợn đi Trung Quốc. Vì vậy, người dân cần chủ động chăn nuôi theo kế hoạch, tránh tình trạng tăng đàn ồ ạt dẫn đến thua lỗ khi Trung Quốc ngừng thu mua. Các cơ quan chức năng cũng cần đàm phán với phía Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu lợn thịt theo đường chính ngạch, hạn chế rủi ro cho nông dân./.