Chiều nay (23/5), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

nguyen_chi_dung_bo_truong_bo_ke_hoach_dau_tu_khig.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ KHĐT cho rằng, việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại hiện nay sẽ loại bỏ những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh; đồng thời, để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, đây sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả.
Việc ban hành luật không làm phát sinh thủ tục hành chính vì một số lĩnh vực không tiếp tục quản lý bằng quy hoạch mà sẽ quản lý bằng điều kiện đầu tư, kinh doanh hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện tại đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản của các luật có liên quan để bảo đảm đúng mục tiêu của việc sửa đổi đồng bộ với Luật Quy hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh
Ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Đơn cử như về giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch, Luật Quy hoạch quy định về nguyên tắc công khai trong hoạt động quy hoạch. Tuy nhiên, theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị thì khi chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết phải xin cấp giấy phép quy hoạch hoặc khi cần thông tin về quy hoạch phải xin chứng chỉ quy hoạch, trong khi việc lập quy hoạch là trách nhiệm của cơ quan nhà nước và thông tin quy hoạch cần phải được công khai cho doanh nghiệp và người dân./.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến quy hoạch tại 13 luật, bao gồm: Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Khoa học công nghệ; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị.Đồng thời, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030.
/.