Tại phiên Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch, các ĐBQH đã  có nhiều ý kiến khác nhau về: đảm bảo tính khả thi, tính đồng bộ; tính dự báo; tính ổn định, bảo vệ môi trường, tính nhân dân, tiết kiệm, tính thứ bậc…

Tuy nhiên, đa số các ý kiến đều cho rằng, cần phải tích hợp quy hoạch để tránh chồng chéo, không ăn khớp, quy hoạch treo.

Quy hoạch tốt có thể “biến” vùng sa mạc thành khu sầm uất

ĐBQH Nguyễn Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần sớm thông qua Luật Quy hoạch, bởi vì quy hoạch thì tự nó đã tạo nên một sức mạnh vô cùng lớn.

“Thực tế đã chỉ ra rằng nếu như Chính phủ chỉ cần công bố một bản quy hoạch tốt thì có thể biến cả một vùng hoang mạc trở thành thành phố du lịch rất sầm uất, nhộn nhịp hoặc những vùng đồi gò trở thành những khu công nghiệp phát triển; ngược lại nếu quy hoạch sai cũng có thể tạo ra sự tàn phá rất ghê gớm mà chúng ta chứng kiến có khi cả một khu phố phá đi tốn kém hàng ngàn tỷ chỉ đổi lấy mấy trăm mét đường”, ĐBQH Nguyễn Văn Cường nói.

qh1_fzzr.jpg

ĐBQH Nguyễn Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, quy hoạch tốt có thể “biến” vùng sa mạc thành khu sầm uất và ngược lại.

Tuy nhiên, theo Đại biểu này, để quy hoạch phát huy được vai trò đó thì Luật Quy hoạch cần cẩn trọng. Quan trọng hơn, ban soạn thảo phải lắng nghe, đồng thời đẩy nhanh hoàn thiện Luật để sớm thông qua.

Ông Cường cho rằng, cần phải xem xét tích hợp các quy hoạch với nhau, không nên để phân tán quá nhiều quy hoạch.

Cụ thể, về phương pháp tích hợp quy hoạch, ông Cường nhấn mạnh, để tránh việc không ăn khớp, chồng chéo, giữa tỉnh, địa phương và Trung ương, cần xem xét tích hợp các quy hoạch có quan hệ và liên quan với nhau. Hệ thống quy hoạch giao thông không nên tách rời quy hoạch đường bộ, đường thuỷ, hàng không. Cần tích hợp ngay trong trong quá trình xây dựng quy hoạch, tránh xảy ra mâu thuẫn…

Cùng với đó, điều chỉnh quy hoạch phải mang tính dài hạn, kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn 50 năm, định hướng 100 năm, nhất là quy hoạch hạ tầng…nhưng cần rà soát trong 5 năm.

Cùng quan điểm trên, ĐBQH Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, việc tích hợp quy hoạch là cần thiết để tránh dàn trải trong thực hiện quy hoạch. Không nên để phân tán quá nhiều quy hoạch như hiện nay. Phải thực hiện trước một bước trong quy hoạch tổng thể, kể cả tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương.

“Tuy nhiên, để tích hợp quy hoạch không đơn giản như phép cộng số học mà phải bàn tới tính tổng thể, đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của người cầm trịch, nhạc trưởng mà cụ thể là Bộ Kế hoạch – Đầu tư”, ĐB Phương Thị Thanh chia sẻ.

Cần có chế tài xử lý việc vi phạm quy hoạch

Luật Quy hoạch được các đại biểu nhận định là khá phức tạp, đã được chuẩn bị soạn thảo từ cách đây 5 năm. Luật quy hoạch được kỳ vọng không chỉ nhằm hướng tới việc cải cách toàn diện về quy hoạch mà quan trọng là loại bỏ các quy hoạch “treo”, quy hoạch “có vấn đề”  hiện khá phổ biến ở khắp các tỉnh thành.

ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng, quy hoạch phải có tính khả thi. Thực tế nhiều quy hoạch không khả thi do phi thực tế. “Cần có chế tài xử lý việc vi phạm quy hoạch. Mọi sự thay đổi quy hoạch phải có lý do chính đáng và phải không làm thay đổi quy hoạch tổng thể”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị.

Đồng quan điển trên, ĐB Lê Công Đỉnh (Đoàn Long An) cho rằng, cần quan tâm, xử lý “quy hoạch treo”, Việc quy hoạch treo ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân trong vùng dự án cũng như trong vùng quy hoạch. Do đó cần xử lý trách nhiệm của những người làm quy hoạch.

“Do vướng quy hoạch nên người dân không xây dựng mới nhà cửa, không thể chuyển mục đích sử dụng đất, không thể đầu tư phát triển gây thiệt hại tài sản, lãng phí nguồn lực xã hội quốc gia. Vì vậy, tôi đề nghị Luật quy hoạch cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy hoạch”, ĐB Lê Công Đỉnh đề xuất.

Hầu hết các ĐBQH đều đánh giá dự thảo lần này khá hoàn chỉnh, công phu tuy nhiên cần đưa ra các nguyên tắc đầy đủ để ngăn ngừa tình trạng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm khi làm quy hoạch. Trong luật cần liệt kê tất cả hành vi đã được quy định trong Bộ Luật Phòng, chống tham nhũng để cụ thể hóa.

Một số ĐBQH đề nghị, xem xét bổ sung mục tiêu của hoạt động quy hoạch phải vì sự phát triển kinh tế của đất nước và phù hợp với các luật, các điều ước quốc tế.

Để Luật Quy hoạch ra đời thì sẽ phải sửa 32 luật liên quan, trong đó có nhiều luật chỉ sửa một – hai điều./.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số quy hoạch dự kiến lập cho thời kỳ 2011-2020 là 13.767 quy hoạch. Chỉ riêng kinh phí cho việc làm quy hoạch giai đoạn này đã lên tới gần 8.000 tỷ đồng.

Luật Quy hoạch ra đời sẽ giảm số lượng từ 3.372 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm trong giai đoạn 2011-2020 xuống chỉ còn 38 quy hoạch ngành ở cấp quốc gia trong các ngành kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các quy hoạch như thương nhân xuất khẩu gạo, cơ sở kinh doanh thuốc lá, tổ chức hành nghề công chứng, làng nghề sản xuất rượu, mạng lưới buôn bán thuốc lá, cá rô phi, dưa hấu... sẽ bị loại bỏ.