Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua đã có thời điểm giảm mạnh nhất trong nhiều tháng, phần lớn do những lo ngại về các lệnh hạn chế đi lại của các nước, nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Delta, làm chững lại đà phục hồi nhu cầu năng lượng trên toàn cầu. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm giá dầu tăng nhẹ khi căng thẳng tại “thùng dầu” Trung Đông leo thang.
Ngay từ phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 2/8), giá dầu mất hơn 3% sau khi các số liệu kinh tế yếu đi của Mỹ và Trung Quốc, cùng sản lượng dầu thô dự kiến cao hơn từ các nhà sản xuất lớn gây lo ngại về khả năng cung vượt cầu.
Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong hai phiên giao dịch liền sau đó, khi số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 ngày càng tăng, khiến các nước kéo dài lệnh phong tỏa, đóng cửa nền kinh tế, khiến dự đoán nhu cầu xăng dầu giảm mạnh.
Trong khi đó, việc Iran có Tổng thống mới làm dấy lên hi vọng Tehran sẽ sắp trở lại (Viena) Áo, để đàm phán với 6 cường quốc thế giới về thỏa thuận hạt nhân. Và nếu thành công, Iran sẽ trở lại thị trường xuất khẩu dầu một cách mạnh mẽ khi các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ. Đó là một phần sức ép khiến giá dầu duy trì đà giảm cùng những hoài nghi về về mức độ tuân thủ sản lượng khai thác của các nước OPEC gia tăng.
Tuy nhiên, trong ngày 5/8, giá dầu bất ngờ tăng trở lại, với hơn 1% do những căng thẳng leo thang tại Trung Đông. Từ vụ tàu chở dầu bị tấn công tại Vịnh Oman cho tới vụ các tên lửa từ lãnh thổ Lebanon bị phóng vào Israel, đã khiến cho giới đầu tư lo ngại về thị trường dầu mỏ bị gián đoạn, đẩy giá dầu tăng nhẹ.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 6/8, giá dầu lại quay về với quỹ đạo giảm, do tác động của các quy định hạn chế dịch chuyển liên quan tới đại dịch Covid-19 và sự mạnh lên của đồng USD sau khi tăng trưởng việc làm tháng 7/2021 của Mỹ tốt hơn dự báo.
Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent đã hạ hơn 6%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong 4 tháng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ WTI lao dốc gần 7%, chứng kiến tuần giao dịch tồi tệ nhất trong 9 tháng.
Howie Lee - Chuyên gia kinh tế tại ngân hàng OCBC cho biết, biến thể Delta hiện đang thực sự bắt đầu có ảnh hưởng rõ nét và sự lo ngại rủi ro diễn ra ở nhiều thị trường, không chỉ riêng dầu mỏ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhìn nhận, số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ, vốn đã tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng, sẽ tiếp tục tăng trước khi giảm xuống và biến thể Delta đang gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhật Bản đã sẵn sàng mở rộng các lệnh hạn chế sang nhiều khu vực hơn, trong khi Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, đã áp đặt lệnh phong tỏa ở một số thành phố và hủy các chuyến bay.
Hiện nhiều thành phố trên khắp thế giới bị phong tỏa, nhu cầu đi lại hạn chế khiến nhu cầu xăng dầu giảm tại nhiều khu vực. Tuy nhiên, Theo Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí khổng lồ BP của Anh, Bernard Looney, hiện có nhiều bất ổn tác động đến giá dầu, song ông vẫn lạc quan rằng, tình hình dịch bệnh sẽ sớm được cải thiện nhờ vào vaccine, nền kinh tế sẽ được mở cửa dần dần và nhu cầu sử dụng dầu sẽ sớm tăng lại.
“Tôi nghĩ sẽ luôn có những tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả giá dầu. Thực tế giá dầu đang giảm. Nhưng chúng ta đã thấy, nhiều nơi ở Mỹ đã mở cửa trở lại nhờ vào việc tiêm vaccine. Tôi dự đoán vào năm 2022, nhu cầu sử dụng xăng dầu sẽ tăng vượt mức thời điểm chưa xuất hiện đại dịch", ông Bernard Looney nói./.