Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo trong tháng 1 đạt 369 nghìn tấn với trị giá là 176 triệu USD, giảm 4,9% về lượng và giảm 6,0% về trị giá so với tháng 12/2013.
So với tháng 01/2013, xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 17,1% về lượng và giảm 13,6% về trị giá.
Trong tháng 1/2014, gạo Việt Nam chủ yếu xuất sang các thị trường: Philippines đạt 204 nghìn tấn, tăng gần 8 lần; Cuba với 22 nghìn tấn, giảm 59,3%; Hồng Kông với 11 nghìn tấn, giảm 42,4%...so với tháng 01/2013.
Tháng 1, dù đạt kim ngạch 65 nghìn tấn nhưng lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sụt giảm nhiều nhất, giảm tới 60,7%.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), qua tháng 1, thị trường xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa được định hình, thiếu nhu cầu từ các thị trường truyền thống tập trung ở Đông Nam Á, trong khi các thị trường thương mại lớn như Trung Quốc, Châu Phi còn chờ quay lại.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm 2013, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 31,17% thị phần. Khối lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này trong năm 2013 đạt trên 2,15 triệu tấn với giá trị đạt 901 triệu USD, tăng 3,2% về lượng và 0,38% về giá trị.
Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (CGA) cho biết nước này đã nhập khẩu khoảng 2,24 triệu tấn gạo trong năm 2013. Như vậy, năm 2013, lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc là chủ yếu từ Việt Nam.Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, nhập khẩu gạo vào Trung Quốc có thể sẽ tăng lên khoảng 3,4 triệu tấn gạo trong năm 2013-14. Theo USDA, Trung Quốc cần 146 triệu tấn gạo tiêu thụ nội địa trong năm 2013/14, tăng khoảng 14% so với khoảng 144 triệu tấn năm 2012/13. Tuy nhiên, sản lượng trong nước chắc chắn sẽ giảm khoảng 10,5% xuống 141,5 triệu tấn trong năm 2013/14 so với 143 triệu tấn năm 2012-13 do thời tiết bất lợi.
Tuy nhiên, Trung tâm Thông tin Dầu và Ngũ cốc Quốc gia Trung Quốc cho biết nhập khẩu gạo vào nước này năm 2013 chủ yếu bởi giá thế giới giảm và dự kiến năm 2014 sẽ vẫn nhập khẩu khoảng 2,24 triệu tấn./.