Khủng hoảng thừa lương thực đã được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cảnh báo từ năm 2011 và đến nay thể hiện rất rõ. Điều dễ hiểu là các nước thường phải nhập khẩu gạo đều nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề an ninh lương thực nên nước nào cũng tập trung sản xuất để chủ động lương thực và giảm nhập khẩu. Philippines, Indonesia, Malaysia... trước đây nhập khẩu gạo rất lớn, nhưng gần đây giảm sản lượng nhập, thậm chí nhiều thời điểm không nhập vì chủ động được lương thực.

Hiện nay cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới là Ấn Độ còn tồn kho 26,5 triệu tấn, trong đó 50% là gạo thương mại. Nước đứng thứ nhì là Thái Lan cũng tồn kho tới 15 triệu tấn gạo thương mại. Dù không muốn nhưng Việt Nam buộc phải tham gia cuộc cạnh tranh khốc liệt về thị trường và giá xuất khẩu với Thái Lan và Ấn Độ.

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, tính riêng trong năm 2013, VFA đã phải điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu đến 5 lần. Ban đầu cũng đặt chỉ tiêu 7 triệu tấn nhưng cuối cùng điều chỉnh còn 6,5 triệu tấn. Kết quả là xuất được hơn 6,6 triệu tấn.

“Năm 2013 chúng ta thành công trong việc đảm bảo tiêu thụ hết lúa gạo trong dân dù giá không như mong muốn. Năm 2014 dự báo sản lượng gạo thương mại của chúng ta khoảng 8 triệu tấn, VFA sẽ nỗ lực tối đa để xuất khẩu 7 triệu tấn, còn lại xuất khẩu tiểu ngạch và tiêu thụ bằng các nguồn khác, phấn đấu cũng sẽ tiêu thụ hết”, ông Phong cho biết.

Ông Phong cũng cho rằng, nông dân cần thay đổi suy nghĩ về sản xuất lúa, không nên quan trọng năng suất mà cần quan tâm đến chất lượng lúa gạo mình sản xuất ra. Doanh nghiệp chỉ mua lúa gạo đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đó là lúa gạo chất lượng cao. Nếu cứ sản xuất lúa IR50404 thì sẽ có lúc không bán được.

Điểm cần chú ý nữa theo ông Phong là người nông dân không nên sản xuất liên tục 3 vụ/năm (thậm chí có nơi làm 4 vụ) như trước mà cần chuyển đổi mùa vụ. Vụ Đông Xuân, Thu Đông lúa gạo có chất lượng tốt nên tập trung sản xuất 2 vụ này. Đây cũng là thời điểm giáp hạt của nhiều nước trên thế giới, cho nên khả năng tiêu thụ được rất lớn.

“Cần bỏ hẳn vụ Xuân Hè (một số nơi là vụ Hè Thu) vì vụ này khi thu hoạch thường gặp mưa dầm, chất lượng lúa gạo rất kém, không xuất khẩu được”, ông Phong nhấn mạnh.

Ngoài ra, VFA cũng khuyến cáo nông dân không trộn gạo với nếp hoặc trộn gạo chất lượng thấp với gạo chất lượng cao để bán; hoặc phun thuốc làm hạt lúa nở to hơn, nhưng khi chế biến thì không xuất khẩu được. Đây là hành vi hết sức nguy hiểm nhằm làm hại uy tín gạo Việt Nam./.