Ngày 1/ 4, trả lời câu hỏi của phóng viên về kết quả điều tra nghi án Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ 16,4 tỉ đồng để được tham gia Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, ông Mori Mutsuya cho biết vụ đưa và nhận hối lộ này có thật và là vụ đưa hối lộ thứ 2 xảy ra tại Việt Nam liên quan đến dự án ODA của Nhật Bản, sau vụ năm 2008.

“Tôi mong rằng đây là vụ cuối cùng tại Việt Nam. Nếu còn xảy ra vụ thứ 3, tôi chắc chắn người dân Nhật Bản sẽ lên tiếng yêu cầu chính phủ Nhật Bản chấm dứt ngay việc cung cấp ODA cho Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, tôi cho rằng hai bên cần làm việc một cách nghiêm túc để tránh xảy ra những vụ việc tương tự”, Trưởng đại diện JICA nói.

duong_sat_uqot.jpgDự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi triển khai từ năm 2013 (Ảnh: VietNamNet)
Ông Yamamoto Kenichi, Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam bổ sung thêm rằng: “Trong phiên xét xử tại Nhật Bản, phía JTC đã thừa nhận hành động hối lộ trong dự án xây dựng Đường sắt đô thị Hà nội số 1. Như vậy hợp đồng tư vấn giữa JTC với Ban Quản lý các dự án Đường sắt đã không tuân thủ qui định đấu thầu của JICA. Chiểu theo “Điều kiện chung của vốn vay ODA Nhật Bản”, JICA đề nghị phía Việt Nam hoàn trả toàn bộ số tiền đã giải ngân cho hợp đồng tư vấn này.”

“Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, người có lỗi là người đưa và nhận hối lộ chứ không phải là bản thân dự án. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục cung cấp chi phí để triển khai dự án”. Ông Kenichi nói.

Cũng câu hỏi này, Trưởng đại diện JICA Mori Mutsuya nói tiếp, quan điểm của phía Nhật Bản là chỉ xử lý những cá nhân liên quan chứ không ngừng cung cấp ODA cho dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội. Tuy nhiên, phía Nhật Bản đang làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính của VN để kiến nghị có bên thứ 3 hoàn toàn độc lập giám sát các dự án ODA của Nhật Bản nếu có điều gì bất thường xảy ra.

Theo JICA, hiệu quả thực hiện các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam trong năm tài khóa vừa qua là tốt. Trong 20 năm qua, Việt Nam luôn là đối tác quan trọng của Nhật Bản nên trong năm tài khóa 2015 Nhật Bản muốn duy trì ODA cho Việt Nam tương đương mức của năm 2013 là hơn 165 tỷ JPY (yen0. Tuy nhiên, ông Mori Mutsuya quan ngại rằng việc các khoản vay có được ký hay không lại phụ thuộc vào Việt Nam.

Theo đó, từ khi Việt Nam thực hiện Nghị định số 38/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, thủ tục ký kết ODA khá phức tạp. Thông tin từ JICA, ngày 31/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thay mặt Chính phủ Việt Nam và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada mới ký được 2 hiệp định vay vốn trong tổng số 7 dự án đã được ký Công hàm trao đổi về cung cấp vốn vay ODA của Nhật Bản./.