Sáng nay (20/1), tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị cấp cao “Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại Việt Nam”, nhằm đề xuất các giải pháp phòng chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn công, nhất là nguồn vốn ODA tại Việt Nam.

Những biểu hiện tiêu cực, gian lận, tham nhũng trong các dự án ODA vẫn đang là một thực trạng đáng lo ngại đối với các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như các nhà tài trợ.

Trong gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã nhận được nguồn hỗ trợ ODA khoảng 80 tỷ USD, phần lớn được phân bổ cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế như giao thông, cảng biển, sân bay…

dua_an_oda_vgmo.jpgNhững biểu hiện tiêu cực, gian lận, tham nhũng trong các dự án ODA vẫn đang là một thực trạng đáng lo ngại đối với các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như các nhà tài trợ. (ảnh: KT)
Đây thường là các dự án lớn, phức tạp, thực hiện trong thời gian dài, dễ xảy ra các hành vi tham nhũng, gian lận. Số vụ án liên quan đến gian lận, tham nhũng được phát hiện và xử lý còn ít, đều không phải do chủ đầu tư hay các cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý nguồn vốn ODA phát hiện.

Theo các đại biểu, gian lận, tham nhũng chủ yếu trong khâu đấu thầu, trình bày sai năng lực tài chính và kinh nghiệm trong hồ sơ dự thầu, hoặc sự thông đồng giữa các công ty trong nước có chủ sở hữu liên quan tới nhau, các công ty sử dụng đại lý để can thiệp quá trình đấu thầu, hướng hợp đồng tới nhà thầu được thiên vị…

Các giải pháp được đặt ra là cần tăng cường hiệu lực thực tế của pháp luật, như tuân thủ các quy định về đấu thầu, quản lý rủi ro đấu thầu và tài chính bằng hợp đồng công khai; thực hiện các chuẩn mực kiểm toán, quy trình giám sát, kiểm tra, tranh tra; kiên quyết áp dụng chế tài đối với hành vi gian lận, tham nhũng. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích sự tham gia giám sát xã hội của các cơ quan báo chí, truyền thông đối với dự án đầu tư công nói chung và sử dụng nguồn vốn ODA nói riêng./.