Ngày 25/3, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị phổ biến quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.
Theo Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN giữa Bộ Công Thương và Bộ KH&CN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2014, tổ chức, cá nhân sản xuất thép trong nước phải công bố sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kĩ thuật quốc gia tương ứng theo quy định tại thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ KH&CN.
Trường hợp chưa có quy chuẩn kĩ thuật quốc gia, tổ chức, cá nhân sản xuất thép trong nước phải công bố tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam, tiêu chuẩn quốc gia các nước, tiêu chuẩn quốc tế, khu vực cho sản phẩm hàng hóa.
Việc chứng nhận hợp quy sẽ do tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện. Bộ Công Thương căn cứ vào đặc thù của từng loại thép để ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quá trình sản xuất cho tổ chức, các nhân áp dụng.
Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu thép phải công bố tiêu chuẩn áp dụng (tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam, tiêu chuẩn quốc gia các nước, tiêu chuẩn quốc tế, khu vực cho sản phẩm hàng hóa trong hợp đồng nhập khẩu.
Bộ Công Thương có trách nhiệm chỉ định tổ chức thử nghiệm chất lượng thép trong nước và chỉ định tổ chức thử nghiệm thép nước ngoài. Bộ KH&CN chỉ định tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận chất lượng thép.
Ngoài ra, Bộ Công Thương có trách nhiệm trong việc kiểm tra chất lượng thép tại nước xuất khẩu để làm căn cứ xem xét, quyết định việc miễn, giảm kiểm tra trong thời hạn 3 năm. Chi phí cho việc kiểm tra sản phẩm tại nước xuất khẩu sẽ do tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép chi trả.
Bộ KH&CN có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất thép, nhập khẩu thép có trách nhiệm kê khai, đăng kí hồ sơ sản xuất, nhập khẩu thép theo quy định. Cơ quan Hải quan chỉ thông quan sản phẩm hàng hóa nhập khẩu khi tổ chức, cá nhân nhập khẩu cung cấp đầy đủ hồ sơ.
Đại diện doanh nghiệp thép Pomina cho rằng, việc quy định tiêu chuẩn kĩ thuật thép không những bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn bảo vệ những nhà sản xuất chân chính. Doanh nghiệp đề nghị Bộ Công Thương nên kết hợp với Hiệp hội thép để nắm bắt rõ hơn năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, Hiệp hội thép cần thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong việc phối hợp với Bộ Công Thương quản lý chất lượng thép.
Theo bà Phạm Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương), vấn đề quản lý chất lượng thép vẫn đang từng bước được triển khai. Quá trình áp dụng quy chuẩn thép sẽ có nhiều vướng mắc, tốn kém cho cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp, nhưng sẽ dần mang lại nề nếp.
“Để triển khai thành công việc áp dụng tiêu chuẩn thép, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và nhập khẩu thép lớn cần phải đi tiên phong mang tính định hướng cho thị trường, đồng thời tạo điều kiện cho các sản phẩm thép được kiểm soát tốt hơn nữa về mặt chất lượng, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính./.