Áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp cán thép trong nước đang hiển hiện rất rõ.
Theo đánh giá của Tổ điều hành thị trường trong nước, nhu cầu tiêu thụ thép trên thị trường đang ở mức khá cao, lượng tồn kho thép thành phẩm tại các doanh nghiệp liên tục giảm, giá bán tại các nhà máy tiếp tục được điều chỉnh tăng khoảng 100.000 đồng/tấn so với tháng 5… Điều đó cho thấy thị trường thép đã có dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, thời gian qua, giá phôi thép, xăng, dầu tăng làm chi phí sản xuất thép tăng. Giá phôi thép giao tại chân cảng, thị trường châu Á vài ngày qua đã chào ở mức 450 – 460 USD/tấn so với hồi tháng 5. Trong nước, giá xăng dầu sau 2 lần điều chỉnh gần đây đã tăng tới 1.500 – 1.600 đồng/lít so với tháng 5. Ước tính, mỗi tấn thép tiêu hao khoảng 45 – 50 lít dầu thì dự kiến, giá thành thép sẽ đội thêm khoảng 60.000 đồng/tấn.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Chí Cường – Chủ tịch Hiệp hội Thép – cho hay, chúng ta sản xuất được 50-60% nhu cầu phôi. Tuy nhiên, thời gian qua, giá nguyên liệu đầu vào là thép phế, quặng… có xu hướng tăng dẫn tới giá phôi thép cũng phải tăng theo.
Ngay cả với Công ty Gang thép Thái Nguyên – đơn vị đã tự chủ được 50% nhu cầu phôi thì áp lực tăng giá thời gian tới cũng khó tránh khỏi. Đại diện đơn vị này cho hay, khi giá dầu tăng 1000 đồng/lít, DN chưa tăng giá, song lần này, khi xăng dầu tăng giá, chắc chắn DN sẽ tăng giá thép…
“Mặc dù các DN chưa có báo cáo về việc tăng giá thép song giá thép thời gian tới có thể tăng lên theo nguyên tắc thị trường là khó tránh khỏi” – ông Cường khẳng định.
Theo thỏa thuận AFTA mà Việt Nam và các nước ASEAN đã ký kết, mặt hàng thép khi xuất khẩu sang các nước sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu là 0% nếu sản phẩm đó được sản xuất theo 2 bước, từ sản xuất phôi đến sản xuất thép, có hàm lượng trên 40%.
Thời gian qua, lượng thép cuộn xây dựng từ ASEAN, được hưởng ưu đãi thuế trong AFTA là 0% nhập về Việt Nam ngày càng nhiều. Nếu một tháng, nhu cầu trong nước vào khoảng 11 – 12 vạn tấn thép thì riêng trong tháng 5, lượng thép nhập về tăng đột biến, vào khoảng 5 vạn tấn thép cuộn; trong tháng 6, tính đến ngày 15/6 là khoảng 2 vạn tấn. 6 tháng đầu năm 2009, lượng thép cuộn có nguồn gốc từ ASEAN nhập về Việt Nam khoảng 18 vạn tấn. Điều đáng nói, giá của thép ngoại rẻ hơn thép nội từ 500 – 700 ngàn đồng/tấn.
Ông Cường cho hay, áp lực tăng giá thép là khó tránh khỏi, song các nhà sản xuất phải hết sức lưu ý là nếu đẩy giá thép lên cao quá mức có thể sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh, tạo điều kiện cho thép ngoại giá rẻ tràn vào cạnh tranh với các sản phẩm thép trong nước. “Thực tế chúng ta đã có những bài học thép nội thua thép ngoại ngay trên sân nhà vì giá rẻ…” – ông Cường cảnh báo.
Hiện, Hiệp hội Thép Việt Nam đang khuyến cáo các DN cần phải dựa vào tín hiệu cung cầu trong nước, tính toán việc nâng giá thép ở mức hợp ký để đảm bảo sức cạnh tranh. Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, cơ quan chức năng cần kiểm tra chặt chẽ các lô hàng về xuất xứ hàng hóa thép khi nhập khẩu, phải đạt mức nội địa hóa 40% trở lên; đủ công nghệ hai bước mới được hưởng thuế ưu đãi. Nếu thép cuộn nhập khẩu ồ ạt làm đình trệ sản xuất trong nước, Hiệp hội Thép Việt Nam sẽ cân nhắc tới việc đề nghị các cơ quan chức năng xem xét. Theo đó, tăng cường kiểm soát, chỉ cho nhập khẩu số lượng thép cuộn theo hạn ngạch nhất định và vẫn có thể áp mức thuế cao hơn khi sản xuất thép trong nước bị đe dọa. Ông Cường cho biết, theo quy định của luật pháp quốc tế, nếu việc nhập khẩu một sản phẩm từ một nước khác tăng đột biến với sản lượng lớn, dẫn đến gây đình trệ cho sản xuất trong nước thì được phép dùng các biện pháp tự vệ…
Xem ra, DN cán thép trong nước đang phải chịu áp lực tăng giá và áp lực cạnh tranh. Việc quyết định tăng giá hay không cuối cùng vẫn là ở DN, song nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu DN tự nâng giá ồ ạt thì có khác gì tự mình đánh mất khả năng cạnh tranh trước thép ngoại, làm thất thoát nguồn kích cầu của Chính phủ. Việc tăng giá ở mức bao nhiêu còn phụ thuộc vào thương hiệu và sự bắt mạch thị trường của mỗi DN./.